Mục đích giáo dục trước hết và trên hết là ”trao truyền”. Người thượng cổ chưa văn minh thì dạy cho con trẻ cách tự bảo vệ bằng cách đề phòng thú dữ, săn bắn để kiếm cái ăn, để lấy da thú mà che thân, ngay cả chim chóc cũng dạy chim non cách bay, cách tìm sâu bọ để ăn, cách xây tổ, thú rừng cũng dạy con của nó cách săn mồi, cách tự bảo vệ v.v.. Cho nên muôn loài đều làm công tác giáo dục, không riêng con người. Mục đích chung là những nhu cầu cơ bản vật chất, nhưng con người vượt lên trên một chút là có phần tinh thần; ví dụ: dạy cho tuổi trẻ biết hiếu thảo, lễ phép, thương người v.v.. và Gia Đình Phật Tử chúng ta thì tiến xa hơn một chút nữa là trao truyền cho đàn em của mình tinh thần từ bi vô ngã của đạo Phật.
Ngoài những bài Phật Pháp, những mẫu chuyện đạo, chuyện tiền thân, những mẫu chuyện tinh thần, ngay trong những bài học về Hoạt động Thanh niên, trò chơi lớn hay nhỏ … đều có ẩn hoặc hiện tinh thần từ bi vô ngã ấy. Tất cả Huynh trưởng chúng ta đều nhận ra đều đó nên đi Trại, chúng ta không dạy cho các em câu cá hay săn bắn hay làm bẫy bắt thú (cho dù ở những nơi không bị cấm câu cá/ săn bắn …) cũng như không bao giờ chúng ta cho phép các em leo lên cây bắt tổ chim, hay làm ná băn chim hay bắt chuồn chuồn, bắt bướm ngắt cánh để chơi v.v.. như các trẻ em bình thường.
Thưa Anh Chị Em,
Lòng từ bi mà Gia Đình Phật Tử chúng ta dạy cho các em là lòng từ bi (được hiểu ngầm là) phải kèm theo trí tuệ; thương mà không hiểu nhiều khi là phản giáo dục và vô tình hại người mình thương, nghĩa là phản lại chính mục đích việc làm của mình. Thật vậy, các bạn còn nhớ “câu chuyện một cậu bé thấy một cái kén trong đó có một con sâu bướm đang cố gắng cắn rách để lách mình bò ra” hay không? Thấy con sâu nhỏ tội nghiệp quá, cố gắng mãi mà không chui ra được vì vết cắn tí xíu, cậu bé nghĩ ra cách giúp nó: cậu ta lấy mũi kéo nhỏ cắt vết rách to ra, con sâu bướm thoát ra dễ dàng; cậu bé sung sướng nghĩ rằng mình đã làm được một việc thiện … Nhưng kết quả thì sao ? _thưa Anh Chị Em, chúng ta đều đã biết câu trả lời ! _Sau khi con sâu bướm ra khỏi cái kén, thân hình lớn ra nhưng đôi cánh không phát triễn, do vậy, con sâu bướm mãi mãi là con sâu, bò lê lết trên mặt đất chứ không thể hóa thành con bướm bay lên cao được ! “Cậu bé tốt bụng” của chúng ta vô tình đã hại con sâu bướm suốt đời thành tàn tật, việc thiện mà cậu bé làm đã trở thành việc ác !
Cũng vậy, trong công tác giáo dục chúng ta không thể “đốt giai đoạn” nếu chúng ta muốn việc đào tạo và huấn luyện Đoàn sinh và Huynh trưởng của chúng ta có kết quả thiết thực. Vấn đề không phải ở những đề tài hay chương trình, vấn đề là cách thức và tinh thần trao truyền, chuyển đạt. Đúng vậy, cũng là bài “Quy y Tam Bảo”, nhưng giảng cho Oanh Vũ, chúng ta không thể đem “Lý quy” và “Sự quy” ra mà thao thao bất tuyệt; trái lại với Huynh trưởng thì không giảng đạo Hiếu mà chỉ bằng cách kể câu chuyện “Con Chim Oanh vũ” …, v.v.. mà quan trọng là cách thực hành trong đời sống hằng ngày. Tương tự, chúng ta cũng không nên “nâng cao” trình độ trại sinh các trại huấn luyện bằng cách đem những đề tài trong chương trình của A Dục xuống cho trại Lộc Uyển, Huyền Trang xuống A Dục, Vạn Hạnh xuống Huyền Trang v.v.. Làm như vậy không phải là nâng cao trình độ mà chính là làm cho hành trang của người Huynh trưởng trại sinh nặng trĩu, không có thì giờ và tâm trí để bay cao trong bầu trời tư duy, quán tưởng … những ngừời Huynh trưởng bị anh, chị mình “giúp đỡ “ như vậy sẽ trở nên què quặt về cả trí tuệ lẫn kiến thức. Ngoài ra, mỗi chương trình huấn luyện dành cho một đối tượng thích hợp, không thể tùy tiện đưa lên đưa xuống mà chưa thông qua một Đại Hội Huynh truởng hay một cuộc hội thảo Huynh trưởng cao cấp trong Gia Đình Phật Tử về Giáo dục và Huấn luyện được. Vì sao ?
Thưa Anh Chị Em!
Vì Tổ chức Gia Đình Phật Tử chúng ta là một tổ chức giáo dục Phật giáo, tinh thần vô ngã thể hiện qua châm ngôn Bi Trí Dũng và phương châm hành động là “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách” Chúng ta không bao giờ đơn phương quyết định những vấn đề chung liên quan đến giáo dục đàn em như chương trình tu học, sinh hoạt, v.v.. Nếu chúng ta thấy chỗ nào chưa hoàn hảo, chúng ta có thể đưa ra bàn thảo, hội luận với nhau giữa những Huynh trưởng trong cùng Đơn vị, trong cùng Bậc học (Kiên, Trì, Định, Lực) hay trong cùng diễn đàn v.v.. Khi chúng ta thấy được chỗ chưa hoàn hảo, tất nhiên thấy được phải làm sao để cải thiện (nghĩa là làm tốt hơn, hoàn hảo hơn) chứ không phải chỉ phê phán, chê bai chương trình lỗi thời, các anh chị lớn dở, không biết thay đổi v.v.. vì chính tất cả chúng ta đều là anh chị lớn đó (Huynh trưởng có nghĩa là người anh lớn !)
Thân kính chúc Anh Chị Em chúng ta mãi tinh tấn trong tu học và tu tập, để có khả năng và hành động cụ thể đóng góp cho sự nghiệp giáo dục của Gia Đình Phật Tử càng nhiều càng tốt.
Trân trọng,
Nhóm Áo Lam
554 lượt xem
Tin khác
NGƯỜI HUYNH TRƯỞNG GĐPTVN ĐỐI VỚI ĐẠI DỊCH COVID-19 Nhật Bảo – Nguyễn Đức Nguyên Thông ghi lại từ Pháp thoại của Hòa thượng Thích Thái Hòa đêm mùng 8…
Pháp thoại tuần lễ huân tu mùa Phật Đản phật lịch 2564 – dương lịch 2020 Mời các bạn xem lại clip hay và ý nghĩa nhân mùa Phật Đản của…
Trung Quán Luận được kiết tập trong Đại Chính tân tu Đại tạng kinh, tập 30, kinh số 1564 (T30n1564), được Cưu-ma-la-thập dịch sang Hán vào năm 409 từ nguyên văn tiếng Phạn do Bồ…
NGÀY THẾ TÔN THÀNH ĐẠO – MỘT KỶ NGUYÊN MỚI Ngày thành đạo của Đức Thế Tôn cách đây 26 thế kỷ, đã mở ra cho nhân…
BAN HƯỚNG DẪN TRUNG ƯƠNG GĐPTVN TỔ CHỨC GIẢI TRÌNH LUẬN VĂN BẬC LỰC LẦN THỨ 10 TẠI CHÙA THẬP THÁP DI ĐÀ – TỈNH BÌNH ĐỊNH Sáng ngày 16/11/2019…