Người Phật tử, đặc biệt là Huynh trưởng Gia Đình Phật Tử bất kỳ nói năng, suy nghĩ hay hành động cũng đều mang hai nội dung Từ Bi và Trí tuệ. Nếu chúng ta học thiên Kinh vạn quyển, chúng ta đi lễ bái hằng trăm ngôi chùa … mà chúng ta không biết bố thí, cúng dường, không biết mở rộng lòng mình ra đối với tha nhân thì việc học Phật Pháp của chúng ta sẽ trở nên vô ích.
Có người thắc mắc rằng: chúng ta đâu được giàu có như cư sĩ Cấp Cô Độc hay nữ thí chủ Visakha, thời đức Phật, để có thể bố thí cúng dường như các vị ấy, chúng ta cũng đâu có trí tuệ như các vị đại đệ tử Phật như tôn giả Xá Lợi Phất, tôn giả A nan … để bố thí Pháp; thậm chí chúng ta cũng đâu có giỏi Phật Pháp như chư Tăng đâu mà có thể giảng cho đồng bào, đồng nghiệp, đồng Đạo v.v.. về Phật Pháp đựơc ? Xin thưa, nghèo như “ bà già cúng đèn” cũng có thể bố thí được, bất lực như những người bệnh sắp chết cũng có thể hiến những cơ quan còn tốt của cơ thể mình như tim, gan, mắt, thận, v.v.. cho những bệnh nhân đang cần, vậy thì tại sao chúng ta nghĩ rằng chúng ta không bố thí được, dù chỉ là một nụ cười thân ái, một lời nói dễ thương, một cử chỉ dịu dàng âu yếm v.v.. hay sao ?
Chúng ta thường nghe ca tụng tình cha mẹ đối với con cái, tình thầy trò, tình bạn … đủ thứ tình cao thượng, đẹp đẽ … nhưng chúng ta thử ngừng lại một phút để suy gẫm xem: những người cha mẹ có thương con người khác như con mình hay không? những người cha mẹ, những người thầy, người bạn … có còn thương yêu con cái, học trò hay bạn bè một khi người con, người học trò, người bạn … đó bị gọi là “phản bội” với mình hay không ? “Phản bội” theo định nghĩa thông thường của thế gian là đi ngược lại lòng tin của mình, sự dạy bảo của mình, con đường của mình v.v.. Nói cách khác, tình thương của chúng ta, dù là tình mẫu tử phần lớn đều là tình thương có điều kiện. Trái lại, lòng từ bi, tình thương trong Phật giáo, là tình thương vô điều kiện (unconditional love), còn gọi là vô duyên từ. Chư Phật, chư Bồ tát thương chúng sanh không phân biệt chúng sanh tốt hay xấu, thiện hay ác, có theo mình hay không, mà hễ chúng sanh nào đau khổ, kêu cứu thì các ngài đều tùy duyên mà cứu vớt, che chở, giúp đỡ … không có bất cứ phân biệt nào.
Người Phật tử chúng ta nhiều khi không hiểu hết ý nghĩa cao cả của sự bố thí. Sự bố thí chân chính là bố thí không mong cầu bất cứ điều gì, đó là một việc cần phải làm để mở rộng lòng thương, lòng từ bi trong ta, đó là một phương tiện để tu tập chứ không phải là một sự trao đổi (bố thí mà mong cầu được đền đáp kiểu như “ăn một quả khế trả một cục vàng, may túi ba gang mà đựng” !!! ) Thế cho nên mới nói lòng từ bi, sự bố thí của Phật giáo có khác với lòng tốt, sự bố thí trong nhân gian. Trong nhân gian, bao giờ lòng tốt cũng đem theo lợi ích cho người có lòng tốt, cho ai cái gì sẽ được trả gấp 10 lần hơn! Còn theo Phật Pháp thì bố thí như vậy là bố thí mà có mong cầu, trái với lời dạy trong Luận Bảo Vương Tam Muội:
“ Thi ân thì đừng cầu báo đáp, vì thi ân mà cầu báo đáp thì đó là mưu tính, là mua bán có lời chứ không phải là thi ân”
Tóm lại, chúng ta đừng lo Phật Pháp lỗi thời vì ngay những điều rất xưa cũ, như bố thí chẳng hạn, cách đây hơn hai ngàn năm đức Phât đã dạy chư đệ tử của ngài trong nhiều Kinh, Kinh Kim Cang cũng có, mà ngày nay trong thế giới hiện đại văn minh này, chúng ta vẫn phải học lại ý nghĩa của Bố thí và phương pháp bố thí chân chánh. Học hoài học mãi, không biết đến bao giờ tất cả Phật tử, nói hạn hẹp hơn, tất cả Anh Chị Em huynh trưởng chúng ta mới thấm nhuần tinh thần của Tình thương vô điều kiện.
Thân kính chúc Anh Chị Em luôn quán chiếu thâm sâu ý nghĩa của những bài Phật Pháp mà chúng ta đã được học từ khi còn là một đoàn sinh ngành Thiếu, để được “ thâm nhập Kinh Tạng” như lời chúng ta thường đọc tụng trong ba “Tự Quy”.
Kính chào Tinh Tấn,
Trân trọng,
Nhóm Áo Lam
536 lượt xem
Tin khác
NGƯỜI HUYNH TRƯỞNG GĐPTVN ĐỐI VỚI ĐẠI DỊCH COVID-19 Nhật Bảo – Nguyễn Đức Nguyên Thông ghi lại từ Pháp thoại của Hòa thượng Thích Thái Hòa đêm mùng 8…
Pháp thoại tuần lễ huân tu mùa Phật Đản phật lịch 2564 – dương lịch 2020 Mời các bạn xem lại clip hay và ý nghĩa nhân mùa Phật Đản của…
Trung Quán Luận được kiết tập trong Đại Chính tân tu Đại tạng kinh, tập 30, kinh số 1564 (T30n1564), được Cưu-ma-la-thập dịch sang Hán vào năm 409 từ nguyên văn tiếng Phạn do Bồ…
NGÀY THẾ TÔN THÀNH ĐẠO – MỘT KỶ NGUYÊN MỚI Ngày thành đạo của Đức Thế Tôn cách đây 26 thế kỷ, đã mở ra cho nhân…
BAN HƯỚNG DẪN TRUNG ƯƠNG GĐPTVN TỔ CHỨC GIẢI TRÌNH LUẬN VĂN BẬC LỰC LẦN THỨ 10 TẠI CHÙA THẬP THÁP DI ĐÀ – TỈNH BÌNH ĐỊNH Sáng ngày 16/11/2019…