1. Khái niệm Tín ngưỡng:
Tín ngưỡng là nguồn tin tưởng đặt trên hy vọng, sống theo hy vọng và đạt kết quả trong hy vọng.
Mỗi người chúng ta đều có một lòng tín ngưỡng. Nhưng còn tùy thuộc vào chỗ biết tự luyện, tự tạo nó hay không mà thôi. Bất cứ một công việc gì muốn thành công, không phải là không đặt vào đấy rất nhiều Tin tưởng và Hy vọng. Con người muốn nên người không thể không có sự Tin tưởng và Hy vọng thành Người. Tin tưởng và Hy vọng chính là Tín ngưỡng. Tín ngưỡng có kết quả sau khi tự mình suy nghĩ, thể nghiệm và thực chứng đúng chân lý, cho dù tin theo học thuyết hay đạo giáo nào.
Vì học thuyết hay đạo giáo “chỉ là ngón tay chỉ là ngón tay chỉ lên mặt trăng cho đứa trẻ biết là mặt trăng, chứ không phải ngón tay là mặt trăng. Và biết hay không biết là quyền của đứa trẻ, chứ không ai có quyền ép buộc nó”. (theo lời Phật dạy trong kinh Viên Giác).
“Anh hãy là ngọn đuốc và là nơi nương tựa cho chính mình anh, anh đừng tự phó thác vào chốn dung thân nào khác”. Thực là một lời nói mầu nhiệm cho hai chữ “Tín ngưỡng” của con người và con người tín ngưỡng được bày tỏ trong kinh Đại Niết Bàn bằng một giá trị tự do và cao quý.

2. Sự cần thiết và quan hệ của Tín ngưỡng
Đã cao quý nên nghĩa vụ của con người đối với Tín ngưỡng không phải là không quan hệ. Nó quan hệ cũng ngang với Tín ngưỡng phải có nơi con người. Con người không thể sống với đời sống không tin tưởng, không hy vọng. Khi có tin tưởng, có hy vọng con người phải biết nhận xét nó, phải biết suy nghĩ nó, phải biết kinh nghiệm về nó, phải biết chứng thực nó, đem nó soi sáng lại con người, tự làm cho con người có nguồn hạnh phúc chân thật và giải thoát. Nếu con người không biết tự soi sáng cho con người, thì con người chỉ là mồi ngon cho mọi vật cám dỗ, là nô lệ hóa mà tự mình đào hố chôn vùi tính linh giác của mình. Vì thế hai chữ “phải biết” trên đây là nghĩa vụ của con người đối với tín ngưỡng một cách thiêng liêng cao cả, nếu con người biết tự cho mình là Phật, là Thượng đế… là chủ nhân ông của con người.
3. Tín ngưỡng trong đạo Phật.
Cùng một ý nghĩa ấy, Tín ngưỡng trong đạo Phật chỉ là một sự tin cậy vào giáo pháp do đấng Giáo chủ đã tìm được con đường giải thoát cho chúng sinh. Chúng sinh phải tự lực cố gắng, thí nghiệm và giác ngộ theo con đường ấy.
Vì đạo Phật là một kỹ thuật, một kỹ thuật hợp lý, có công năng bạt trừ khổ não, chứ không phải đơn thuần là một Tôn giáo như định nghĩa thông thường của danh từ.
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni cũng nói:

“Giáo lý của tôi cũng như chiếc bè, chở tất cả mọi người qua sông, nhưng mọi người không có quyền nắm giữ nó, vì chính pháp còn phải bỏ huống chi là phi pháp” (Kinh Kim Cương).

“Tôi chỉ là người hướng dẫn… Tôi như người thầy thuốc, xem bệnh cắt thuốc, còn uống hay không là tùy ở bệnh nhân chứ không phải lỗi của thầy thuốc…” (Kinh Di Giáo).
“Các vị Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Thiện nam, Tín nữ nào luôn luôn làm tròn phận sự, biết ăn ở theo chính giáo, biết noi theo đường chân lý mới đáng gọi là những người biết tôn kính, thờ phụng, sùng bái, cúng dường Như Lai bằng cách cao thượng” (Kinh Đại Niết Bàn).
“Tất cả những sự thật, theo kinh nghiệm riêng của anh và sau khi xác nhận rõ ràng, phù hợp với lẽ phải, tạo thành hạnh phúc riêng cho anh và cho tất cả mọi loài, thì chính đó là sự thật và anh cố gắng sống theo sự thật ấy”. (Kinh Kalamas).
Y cứ vào những giáo lý trên chúng ta nhận thấy: “Đạo Phật không thể xây dựng trên tín ngưỡng hình thức”. Chúng ta chỉ đem giáo lý của Phật làm mực thước, để chúng ta gióng động tác hành vi, cử chỉ của chúng ta. Chúng ta nương tựa vào đấy để uốn nắn hành nghiệp trong đời chúng ta. Và ngoài giáo lý ấy chúng ta không đem một nghi lễ nào khác như: Cúng tế, kêu cầu, đồng bóng, mũ mã, xôi thịt… thay thế vào đấy được.
Đạo Phật không xây dựng trên tín ngưỡng thần quyền. Vì Đức Phật không phải là thần tiên, sứ giả để tuyên dương một chân lý đã phát minh. Ngài chỉ là người khai diễn những điều tự mình đã tự giác ngộ và khải thỉnh chúng ta tu tập theo các điều Ngài đã tu. Chúng ta không thể tu tập được nếu không hiểu rõ yếu chỉ của sự thí nghiệm giác ngộ, chứng đạo của Phật.
Muốn được sự giác ngộ chứng đạo như Phật, bước đầu tiên chúng ta phải học hiểu Phật pháp, tu tập, quán sát, kinh nghiệm ý nghĩa trong lúc thiền định, áp dụng trong đời sống cá nhân của chúng ta, khi chúng ta đã nhận thấy chỗ chí chân của đạo lý. Và chúng ta cứ thực hành như thế cho tới mục đích cứu cánh của Đạo.
Như thế, con người có tín ngưỡng, thực hành theo tín ngưỡng chân chính, là con người biết nâng cao giá trị của con người, biết sống đời sống thanh cao, biết tự chủ được mình và chi phối tất cả.

“Chúng sanh là Phật sẽ thành"!
(Trích Đạo Phật Với Con Người – Thích Tâm Châu; 1953)
                                                                     MINH KIỆT

481 lượt xem