Thưa Anh Chị Em Huynh Trưởng bốn phương,

Trong quá trình học và đọc Kinh điển, chúng ta thường gặp những từ Hán Việt mà nói lên là chúng ta biết liền nhưng không thể dịch ra bằng MỘT từ tương đương bằng tiếng Việt một cách chính xác và đầy đủ ý nghĩa Xin lấy 1 ví dụ nhỏ, như từ “vô minh” (avijjã) [vô minh là một “khoen” trong 12 khoen của vòng tròn 12 nhân duyên.]

Theo “A Tỳ Đàm” (truyền thống Phật giáo nguyên thủy) hay “Vi Diệu Pháp”, Vô Minh có nghĩa là “si mê”; đặc tính của Vô Minh là mờ ám, trái ngược với tri kiến, bản chất của Vô Minh là không thông suốt, chức năng của Vô minh là che giấu bản chất của sự vật; biểu hiện của Vô Minh là tà hạnh, nhiệm vụ của Vô Minh là rối ren;Vô minh là nguyên nhân của tất cả các pháp bất thiện.

Tương tự, trong Phật Pháp có những từ như vậy, khi nói đến thì người ta hình dung ra được nội dung của nó bao hàm những ý gì; vì vậy, chỉ cần ngắn gọn trong 2 chữ là đầy đủ ý nghĩa, chúng ta không thể thay thế bằng một từ tiếng Việt khác được _ mặc dù Anh Chị Em chúng ta có người đã dùng từ “ngu si” thay thế cho Vô minh.

Về phía dạy Phật pháp cho các em, cho dù bằng tiếng Anh, tiếng Việt hay chữ Hán, thì Vô minh vẫn là một từ mới các em phải biết, học thuộc và ghi nhớ ý nghĩa của nó. Ở bậc Chánh Thiện, các em còn phải biết cả tiếng Phạn thì Vô minh gọi là Avijjã nữa.

Thưa Anh Chị Em,

Chúng ta thường “trăn trở” với từ này; vì câu nói “cái Tâm ban đầu trong sáng bị mất đi khi 1 niệm vô minh xuất hiện” làm ACE chúng ta không nhiều thì ít đều “oán ghét” vô minh   !

Vì vậy, xin trở lại với “Vô Minh.” Vô Minh là gì? _ Vô Minh là thấy cái không đáng được thấy và không thấy cái đáng được thấy.

Nói rõ hơn: như chúng ta đã biết, con người là một tập hợp của 5 uẩn (uẩn = nhóm): Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức hay là một tập hợp của 4 Đại (Đất, Nước, Gió, Lửa) _ tất cả mọi người đều giống nhau từ căn bản _ nhưng vì chức năng của Vô Minh là che giấu bản chất của sự vật nên chúng ta KHÔNG THẤY được điều này mà chúng ta lại thấy cái ngã (cái Tôi) thật lớn; đó chính là thấy cái không đáng được thấy và không thấy cái đáng được thấy.

Vì chỉ thấy cái TÔI nên Vô minh đi đôi với chấp ngã; vì chấp ngã nên bị ham muốn, chán ghét (ưa-ghét) khống chế; vì bị ưa–ghét khống chế nên sinh ra tham sân si mà tham sân si chính là 3 thứ Độc của Tâm, sinh ra đủ loại pháp bất thiện.

Do đó, TU không phải là đi tìm kiếm vô minh hay tiêu diệt vô minh mà chính là tiêu diệt những biểu hiện của nó: tham, sân, si.

TU là đối diện với phiền não, không phải chạy trốn phiền não.

TU là tu cái hiện tiền (đương niệm): Ví dụ đang nổi giận mà tự kiềm chế lại được, thì có hòa bình và an lạc ngay; còn nếu không kiềm chế được cơn giận của mình thì có phải là xảy ra chiến tranh rồi không? Chiến tranh không chỉ là giữa 2 quốc gia mà chiến tranh còn xảy ra hằng ngày trong cuộc sống: giữa cha mẹ và con cái, giữa vợ và chồng, giữa anh chị em, giữa bạn bè, giữa hàng xóm láng giềng v..v..

Dù là Tu Thiền, Tu Tịnh Độ hay Mật Tông cũng đều chú trọng “giây phút hiện tại” _ Bây giờ và Ở đây_

Thân kính chúc Anh Chị Em luôn tinh tấn, cố gắng giữ gìn Chánh Niệm trong lời nói, ý nghĩ và việc làm, để được an lạc và làm cho mọi người chung quanh cũng được an lạc.

Trân trọng,
BBT

446 lượt xem