Thưa Anh Chị Em Huynh Trưởng,

Khi vua Tịnh Phạn nghe tin thái tử Tất Đạt Đa đã thành đạo, hiệu là Phật Thích Ca Mâu Ni, ngài bèn phái nhiều người, nhiều phái đoàn đi cung thỉnh đức Phật về hoàng cung để hóa độ cho hoàng gia. Những người sứ giả đi rồi không trở lại vì họ đến đó, được nghe Phật thuyết pháp rồi thì họ thích đi tu hơn là trở về đời sống thế tục! Thế là Tăng đoàn của đức Phật ngày càng đông.

Đức Phật trở về thành Ca Tỳ La Vệ để thuyết pháp cho những người thân và như chúng ta đã biết, sau đó rất nhiều những hoàng thân quốc thích đều xin đi xuất gia theo Phật. Trong những người đó, có 2 trường hợp đáng kể nhất là trường hợp của Vua Tịnh Phạn và của hoàng tử Nan Đà.

Vua Tịnh Phạn thân hành ra ngoài thành đón đức Phật _ người con yêu quí, bao nhiêu năm trời xa cách _ vua bị đức Phật “chinh phục” ngay sau bài pháp đầu tiên, Vua chứng quả Tu Đà Hoàn khi nghe đức Phật đọc bài kệ:

Tinh tấn ngã đường vàng
Như xe theo ngựa mạnh
Chánh đạo luôn thực hành
Chuyển pháp thừa vạn hạnh
(Kinh Pháp cú, kệ 168)

Và khi về đền hoàng cung, đức Phật nói thêm bài kệ nữa, Vua nghe xong liền chứng quả Tu Đà Hàm:

Bước chân theo chánh đạo
Thường rủ áo trần sa
Như khuôn gỗ thơm quí
Hoan hỷ nụ cười hoa
(KPC, kệ 169)

Đến ngày thứ ba, hoàng tử Nan Đà (em cùng cha với thái tử Tất Đạt Đa) muốn được xuất gia “thử” trước khi kết hôn; đức Phật biết tâm niệm của Nan Đà, đến trước nhà Nan Đà để khất thực; Nan Đà đi ra, đức Phật trao bình bát của mình cho Nan Đà, Nan Đà không biết làm sao, đành cầm bình bát đi theo đức Phật về đến tịnh xá Trúc Lâm luôn và được đức Phật thu nhận làm tỳ kheo. Sống đời tu hành, Nan Đà lại nhớ những cảnh sống sung sướng ở hoàng cung với kẻ hầu người hạ, lại có cô vợ sắp cưới xinh như hoa đang chờ. Biết được tâm trạng của em, đức Phật dùng thần thông cho Nan Đà được thấy các cõi Trời với đám tiên nữ đẹp tuyệt trần còn hứa hẹn nếu tu tập tốt sẽ được sống với các cô ấy. Nan Đà cố gắng quên hẵn quá khứ, chuyên tu tập để được sống với tiên nữ. Bấy giờ các vị tỳ kheo khác bắt đầu chế nhạo thái độ tu hành của Nan Đà; họ nói với Nan Đà: Ông làm như vậy thì có khác gì người đi làm mướn để mong được trả công? Tu không phải như vậy! Nan Đà cảm thấy rất hổ thẹn nên quyết tâm thay đổi cách nhìn, cách sống của mình bằng cách đi vào một nơi thanh vắng tĩnh mịch, nổ lực tu tập theo Chánh Pháp và cố gắng hành thiền. Chẳng bao lâu, tôn giả chứng đắc quả vị A La Hán _ không còn ham muốn những thú vui vật chất trên đời này nữa.

Các vị tỳ kheo khác còn nghi ngờ không biết tôn giả Nan Đà có thực lòng tu chưa mới đến hỏi Phật; đức Phật xác nhận Nan Đà hôm nay đã khác xưa rồi, xưa tánh tình phóng túng buông lung, Nan Đà giống như một ngôi nhà vụng lợp để cho nước mưa giọt vào. Hôm nay tính tình đã thuần, giới luật đã giữ gìn cẩn trọng nên Nan Đà đã trở thành một gian nhà khéo lợp, những tham vọng, khát ái không thể nào chen vào được; nói rồi đức Phật đọc 2 bài kệ

Mái cỏ lợp dày, thưa
Nhà giột mấy dòng mưa
Không luôn sửa tâm ý
Mê vọng dấy chẳng ngờ!
(KPC, số 13)

**
Mái lợp đều rạ thơm
Mưa nào qua một giọt
Người luôn điều ngự Tâm
Mê vọng nào thấm lọt
(KPC, số 14)

Thưa Anh Chị Em,

“Giác” và “Mê" xa nhau như 2 bờ đại dương mà cũng gần nhau trong gang tấc, đức Phật dùng hình ảnh mái nhà bị giột thật là quá thâm thúy; đúng là đề tài cho Anh Chị Em chúng ta suy gẫm. Cùng một việc làm nhưng với tâm niệm khác nhau, thì kết quả cách xa nhau ngàn dặm, như Nan Đà tu để được sở hữu các nàng Tiên và Nan Đà tu để xa rời tham ái chấp thủ là 2 tâm thái xác định 2 con người hoàn toàn khác nhau vậy.

Thân kính chúc Anh Chị Em tâm vững chí bền, luôn giữ chánh niệm, luôn chế ngự tâm, thanh lọc tâm ý, để xứng đáng là tấm gương sáng của đàn em chúng ta.

Trân trọng,
BBT

574 lượt xem