Thưa Anh Chị Em Áo Lam,
Chúng ta được học về Tứ Thánh Đế (Bốn Sự Thật Mầu Nhiệm hay 4 Sự Thật Cao Quý) từ khi còn là đoàn sinh Gia Đình Phật Tử rồi lên Huynh trưởng vẫn được học đi học lại, thế nhưng thỉnh thoảng vẫn có vài Huynh trưởng nói rằng: “Đời không phải luôn luôn khổ, cũng có khi hạnh phúc lắm chứ!” Mỗi lần như vậy, đều được tập thể nhắc nhở là nội dung 4 Sự Thật Cao quý không phải nói “đời luôn luôn khổ” mà chỉ nói: Sự Thật thứ nhất là Khổ, sự Thật thứ hai là nguyên nhân của Khổ, sự Thật thứ ba là sự chấm dứt Khổ và sự Thật thứ tư là con đường đưa đến sự chấm dứt Khổ; cũng không nói “ai khổ”
Ngoài ra, trong bài Pháp về Tứ Đế, đức Phật có nói một câu mà chúng ta nên luôn nhớ; đó là “quê hương của Niết Bàn là trần thế” cũng tương tự như câu: “Sinh Tử tức Niết bàn,” hay “Lìa sinh tử thì không có Niết bàn” hay “Phật pháp không lìa thế gian giác” v..v…
Bởi vậy, tam Tạng kinh điển không bao giờ đề cập đến những gì không liên quan đến con người, đó chính là lý do tại sao nói “giáo dục Phật giáo là một nền giáo dục nhân bản”.
Nhận xét về con người, Đức Phật dạy: ở đời có 4 hạng người,
1) hạng người chuyên làm khổ mình
2) hạng người chuyên làm khổ người
3) hạng người chuyên làm khổ người và khổ mình
4) hạng người chuyên làm lợi mình, lợi người
Thế nào là “chuyên làm khổ mình”? _ Đó là hạng người chìm đắm trong dục lạc thế gian, quên hết trời đất, thiên hạ, chỉ biết hưởng thụ và tiêu phí tuổi trẻ, tiền bạc … vào những “cuộc vui suốt sáng, trận cười thâu đêm” để đến khi thức giấc vì bệnh hoạn, nghèo nàn, không ai ngó tới thì đã quá muộn màng, thân bại danh liệt! Đó là lý do mà đức Thế Tôn gọi thế gian này là “ngôi nhà lửa” _ nhưng thế gian lại ham chơi, không chịu chạy ra khỏi để đến khi biết ngôi nhà đang cháy thì đã hết một đời!
Thế nào là “chuyên làm khổ người”? _ Đó là hạng người ích kỷ, thấy người khác vui thì mình buồn, thấy họ khóc thì mình vui nên chuyên tìm chuyện hại người; ví dụ ăn cắp của cải của người khác mà lại nói ngược là người ta ăn cắp của mình, hở một chút là đòi bắn bỏ, thủ tiêu, vu oan giá họa cho người khác những tội mà người ta không hề có còn phần mình thì “tội mê mê như kê lộn đậu” nhưng cứ “đấu tranh miệng lưỡi” lộng giả thành chơn, cả vú lấp miệng em … dùng đủ thủ đoạn để hạ uy tín người khác nhằm để tự nâng mình lên v..v.. (nhưng tự nâng thì đâu có được!)
Thế nào là “chuyên làm khổ người và khổ mình”? _ Đó là hạng người thiếu trí tuệ, dễ bị mua chuộc, đi vào con đường xấu mà không tự biết. Tại sao dễ bị mua chuộc? _ tại vì ham danh lợi, địa vị hay tiền tài, sắc đẹp … đến khi bị “sập bẫy” rồi ăn năn cũng không kịp, đã lở hại người tốt, đã lở nhúng tay vào chàm, đâu có nói năng gì được nữa! Đến lúc đó, khóc cũng không ai thương, cười thì cười ra nước mắt! Đúng là làm khổ mình và đồng thời cũng làm khổ người một cách thiếu trí tuệ.
Hạng thứ tư là hạng người hiếm quí giữa xã hội nhiễu nhương này; đó là hạng người biết quy y Tam Bảo, biết giữ Giới như giữ gìn cặp mắt của mình, chỉ cần giữ 5 Giới của người Phật Tử tại gia cũng đủ góp phần làm cho thế giới hoà bình chúng sanh an lạc rồi. Thật vậy, người giữ Giới không sát sanh thì không bao giờ hại người hại vật; vì sát sanh không chỉ là dùng gươm dao đâm chết người mới gọi là sát sanh mà có thể sát sanh bằng lời nói ác độc, lời nói vu oan giá họa cho người ta, lời nói gây chia rẽ nội bộ của người ta, làm cho anh chị em người ta nghi ngờ nhau, ghét nhau, xa rời nhau, lời nói vu khống, làm cho thiên hạ tưởng thật xúm vào tấn công người ta v..v.. những thứ đó đều là hình thức sát sanh cả. Hạng người thứ tư không bao giờ làm những điều ác đức như vậy. Họ không những không sát sanh mà còn phóng sanh, không trộm cắp mà còn bố thí v..v.. nghĩa là đem niềm vui và hạnh phúc đến cho người khác cho nên không bao giờ hại người, không xúc phạm đến người khác, không lấy của người khác _ các bạn có nghe chữ “đạo văn” hay không? Đạo văn là ăn cắp văn của người khác, sao chép lại (copy) của họ mà nói của mình, đó là một hình thức của trộm cắp, không cần phải đào tường khoét vách mới gọi là ăn trộm đâu. Hạng người thứ tư không bao giờ làm những chuyện mất tư cách đó. 5 Giới thì tất cả Phật tử đều biết cả rồi, huống gì anh chị em Huynh trưởng chúng ta thì đã thuộc lòng tưởng không cần nhắc thêm.
Thưa Anh Chị Em Áo Lam,
Chúng ta là Huynh trưởng Gia Đình Phật Tử, nhiệm vụ chính là giáo dục thanh thiếu niên, tuổi trẻ Phật giáo hải ngoại hay trong nước, cũng đều có cùng một tâm niệm, đó là “vì đàn em thân yêu.” Chúng ta không được ai trả lương, không được ai bổ dụng, nhưng hàng hàng lớp lớn đều tự nguyện qua những lớp huấn luyện để trở thành huynh trưởng Gia Đình Phật Tử phục vụ tuổi trẻ như các Anh Chị của mình đã từng phục vụ mình. Người Huynh trưởng Gia Đình Phật Tử không những không được trả lương mà còn phải đưa đón các em đi sinh hoạt bằng xe riêng của mình, mua thức ăn cho các em nếu các em kêu đói bụng bằng tiền túi của mình, tổ chức sinh nhật tại Đoàn, Gia Đình … cho các em cũng đều tự túc, điều này không chỉ xảy ra một vài ngày mà đã từ hơn 60 năm nay với truyền thống “gia đình” như vậy. Với công tác từ thiện, người huynh trưởng Gia Đình Phật Tử còn tự nguyện đi xây những căn nhà tình thương cho những người già cả yếu đuối không có nhà ở, cơm ăn, còn vào bệnh viện, vào các viện dưỡng lão v..v.. giúp đỡ, chuyện trò với những người cô quả, cô đơn mà quá nghèo, v..v..
Chúng ta hãy tự soi rọi lại mình xem thử mình là hạng người thứ mấy trong bốn hạng người trên đây và “nhanh chân” trở lại hạng thứ tư vốn là hạnh nguyện của anh chị em chúng ta, nếu chúng ta đã lở một lần lạc bước vào các hạng kia!
Thân kính chúc Anh Chị Em tinh tấn trong tu học và tu tập để thân tâm thường được an lạc.
Trân trọng,
Nhóm Áo Lam
578 lượt xem
Tin khác
NGƯỜI HUYNH TRƯỞNG GĐPTVN ĐỐI VỚI ĐẠI DỊCH COVID-19 Nhật Bảo – Nguyễn Đức Nguyên Thông ghi lại từ Pháp thoại của Hòa thượng Thích Thái Hòa đêm mùng 8…
Pháp thoại tuần lễ huân tu mùa Phật Đản phật lịch 2564 – dương lịch 2020 Mời các bạn xem lại clip hay và ý nghĩa nhân mùa Phật Đản của…
Trung Quán Luận được kiết tập trong Đại Chính tân tu Đại tạng kinh, tập 30, kinh số 1564 (T30n1564), được Cưu-ma-la-thập dịch sang Hán vào năm 409 từ nguyên văn tiếng Phạn do Bồ…
NGÀY THẾ TÔN THÀNH ĐẠO – MỘT KỶ NGUYÊN MỚI Ngày thành đạo của Đức Thế Tôn cách đây 26 thế kỷ, đã mở ra cho nhân…
BAN HƯỚNG DẪN TRUNG ƯƠNG GĐPTVN TỔ CHỨC GIẢI TRÌNH LUẬN VĂN BẬC LỰC LẦN THỨ 10 TẠI CHÙA THẬP THÁP DI ĐÀ – TỈNH BÌNH ĐỊNH Sáng ngày 16/11/2019…