Thưa Anh Chị Em Áo Lam

Chúng ta đều biết rằng có 8 điều bất hạnh gọi là “8 nạn” đó là:

1. Địa ngục,
2. Ngạ qủy,
3. Súc sanh,
4. Trường thọ thiên,
5. Bắc cu lô châu,
6. Đui, điếc, ngọng, lịu,
7. Thế trí biện thông,
8. Sinh trước Phật hay sau Phật.

Sở dĩ gọi đó là 8 nạn vì ở các cõi này, mặc dù những cảm thọ khổ, vui có khác nhau nhưng đều không được thấy Phật, không được nghe Phật Pháp. Nhưng Anh Chị Em chúng ta có ai thắc mắc tại sao “thế trí biện thông” cũng là 1 tai nạn hay không? _ Xin thưa, chính là tai nạn vì người thế trí biện thông là người có trí thế gian vượt hơn mọi người, tất nhiên là ngã mạn rất cao, tự xem mình là bậc nhất thiên hạ, giỏi nhất, cái gì cũng thông suốt không cần phải học với ai nữa, không cần biết đến Phật, Thánh làm gì nữa v.v… như vậy không phải là 1 tai nạn hay sao?

Chúng ta hôm nay tuy không ở Bắc cu lô châu (Cõi Ta Bà của chúng ta có tên là Nam Bộ Thiện châu) nhưng lại rơi vào cái nạn “sinh sau Phật” nghĩa là không còn Phật tại thế, không sinh cùng thời với đức Phật, không được nghe Phật Pháp từ chính miệng Phật nói ra (thường gọi là “kim ngôn” = lời vàng hay “kim khẩu” = từ miệng của đức Phật); tuy nhiên có niềm an ủi là đức Phật đã dạy chư đệ tử của ngài rằng: “sau khi ta nhập diệt, Pháp chính là Thầy của các Ông” đó là lý do mà Anh Chị Em chúng ta thường học Phật Pháp, thường nhắc nhở nhau tìm về những lời vàng của đức Phật. Hôm nay xin kể câu chuyện có nội dung tương tự do chính đức Phật nói vì chuyện này xảy ra khi đức Thế Tôn còn tại thế.

Thưa Anh Chị Em,

Hồi đó, đức Phật tuyên bố là còn 4 tháng nữa Ngài sẽ nhập Niết Bàn. Các vị tỳ kheo chưa chứng được quả vị A la Hán rất hoang mang lo sợ, chưa biết rồi đây ai là người dẫn dắt họ tu tập nên lợi dụng thời cơ này, luôn quấn quít bên Phật, gần gũi hơn thường lệ để mong học hỏi được nhiều hơn. Trong khi đó, tỳ kheo Attadhatta (chúng ta tạm gọi là Atta) lại không làm như mọi người, một mình trở về cốc của mình, ngồi thiền với mục tiêu chứng đắc quả vị A La Hán ngay khi đức Thế Tôn còn ở tại thế gian này. Các vị tỳ kheo khác, không hiểu ý định của Atta, cho rằng Atta chẳng tha thiết gì đến đức Phật, họ mời Atta đến gặp Phật và thưa với Phật rằng: “Bạch đức Thế Tôn, vị tỳ kheo này chẳng tỏ ra yêu kính, mến mộ đức Thế tôn gì cả; nghe tin đức Thế tôn sắp nhập diệt mà vị ấy cả ngày chỉ ngồi trong cốc vắng một mình” Tỳ kheo Atta vội vàng thưa rõ với đức Phật mục đích mình ngồi trong cốc là cố gắng và quyết tâm hành thiền để chứng được quả vị A la Hán trước ngày đức Thế Tôn nhập Niết Bàn. Nghe xong, đức Phật nói: “Này chư tỳ kheo, những ai thật sự mến mộ ta, cần phải hành động như Atta vậy, chớ chẳng phải thường đến gặp ta, cúng dường hương hoa cho ta … Cách mến mộ ta chân chánh nhất là biết đem Chánh pháp ta đã giảng dạy ra mà thực hành cho chu đáo”

Rồi đức Phật nói lên bài kệ thứ 166 trong phẩm Tự Kỷ (Kinh Pháp Cú) mà nhờ đó tỳ kheo Atta chứng được quả vị A la hán; thiền sư Phạm Thiên Thư Việt dịch như sau:

Suối đục lo hồ trong
Chẳng cầu mình thanh tịnh
Suối suối sạch bụi hồng
Hồ tỏa trăng đại Định

Và cư sĩ Thiện Nhựt Việt dịch như sau:

Dầu lợi tha to lớn bao nhiêu
Đường tu tự lợi chớ quên nhiều
Thấy rõ lợi mình là giải thoát,
Chuyên tâm lấy đó làm mục tiêu

Mong Anh Chị Em chúng ta suy gẫm những lời Phật dạy, đừng nói những điều to lớn, hãy lo tu tập, soi rọi lại Tâm mình, vì chỉ khi Tâm mình thanh tịnh, mình mới đủ khả năng nói đến chuyện lợi tha, làm được những điều thật sự lợi ích cho mọi người quanh mình được.

Thân kính chúc Anh Chị Em một mùa Xuân Di Lặc Hoan Hỷ, Thanh tịnh và an lạc trong từng hơi thở.

Trân trọng,
Nhóm Áo Lam

625 lượt xem