Anh chị em Lam Viên thân mến!

Lần này chúng tôi xin trao đổi cùng anh chị em câu chuyện “Tử Uyên Thê”, đây cũng là một bài học cho chúng ta trong ứng xử với tình thế:

Một vị quan đại thần hết lòng trung thành với vua Tề Giản Công đời Chiến quốc. về sau vua Tề bị một quyền thần âm mưu giết hại. Khi giết vua xong, vị quyền thần này thấy Tử Uyên Thê có tài, muốn dụ dỗ. Tử Uyên Thê nói: “người muốn dụ dỗ ta vì cho ta là người có trí chăng? Đã lầm rồi, bầy tôi giết vua mà ta không can ngăn nổi tức là kể vô trí. Cho ta là nhân chăng? Nếu thấy lợi mà làm chuyện bất chánh bất trung thì là hạng bất nhân rồi. Còn nếu người uy hiếp ta, mà ta sợ hãi phải theo thì chẳng có gì là dũng. Vậy ta có gì đâu mà ngươi hoài công dụ dỗ”.

Tên quyền thần phản vua ấy âm thầm rút lui mà chẵn dám dùng quyền lực để uy hiếp.

Thưa anh chị em, tương tự như vậy, phụng sự lý tưởng GĐPT, người huynh trưởng phải có ba đức: Bi – Trí – Dũng, đủ ba đức ấy thì không ai có thể mua chuộc chúng ta, không ai có thể dụ dỗ chúng ta và lại càng không ai có thể uy hiếp chúng ta.

Đây không những là một bài học quý giá mà còn là một chiêu thần kì, ta phải luôn luôn luyện tập, có nghĩa là luôn luôn quán chiếu lại mình, để ứng xử trong lúc gặp nhiễu nhương, bức bách.

Nếu vì tư lợi mà làm, thấy tiền tài danh vọng mà quay lưng lại với anh em, phản bội tổ chức thì đâu còn là “Bi”. Tổ chức chúng ta đang đối mặt với chướng duyên, tứ phương thọ nạn mà chỉ ta thán, buông xuôi tay, không vượt qua được thì còn đâu là “Trí”. Tệ hại hơn nữa, khi bị uy hiếp mà sợ hãi thì “Dũng” biến đâu mất rồi!

Thưa anh chị em, nếu Tử Uyên Thê là một bậc xứng danh quân tử, đủ ba đức: Nhân, Trí, Dũng theo quan niệm Nho giáo, lịch sử Trung Quốc còn ghi lại dấu vàng son, thì người huynh trưởng GĐPT, dù là đang dìu dắt đàn em hay là bậc lãnh đạo mà thiếu đi: Bi-Trí-Dũng, chắc chắn cuối cùng cũng chỉ để lại một chấm đen trong Lam sử mà thôi. Phải thế không, thưa anh chị?

Thân ái chào tất cả
BBT

430 lượt xem