Thưa Anh Chị Em Lam Viên bốn phương,

Người Huynh trưởng GĐPT cái gì cũng phải biết vì các em của chúng ta, bạn bè của chúng ta trong tổ chức này gồm đủ mọi lứa tuổi, đủ mọi thành phần xã hội, đủ mọi giai cấp và trình độ v..v.. Ngoài ra Đạo và Đời không thể tách rời nhau cũng như trước khi muốn làm Phật phải biết làm người. Đó là lý do tại sao hồi trước chúng ta học có 5 thừa (Nhân thừa, Thiên thừa, Thanh Văn thừa, Duyên Giác Thừa, Bồ tát thừa) nghĩa là 5 hệ thống giáo dục mà người Phật tử phải trải qua trước khi thành Phật.

Rồi theo năm tháng, trưởng thành trong tu học, chúng ta đã biết đến tánh Không, đến lý Bát nhã v..v.. nhưng có vài anh chị em cho rằng tánh Không là do Phật giáo chủ trương. _ Xin thưa là không phải vậy! Đức Phật đã dạy: dù chư Phật có ra đời hay không, Phật Pháp vẫn có mặt tự muôn đời; chư Phật nói chung và đức Phật Thích Ca nói riêng, chỉ là người phát hiện ra những qui luật muôn đời đó để dạy cho đệ tử của mình. Những nhà hiền triết, những bậc đạo sư trên đời này cũng đã có rất nhiều, hoặc đồng thời hoặc trước, hoặc sau đức Phật Thích Ca của chúng ta (Ấn Độ, 623-543 trước TL) như:

Khổng Tử (Trung hoa, 551-479 trước TL)
Lão Tử (Trung Hoa, thế kỷ thứ VI – thế kỷ thứ V trước TL)
Platon (Hy Lạp, 427-347 trước TL)
Socrate (Hy Lạp, 470-399 trước TL)
v..v..
Sắp theo thứ tự thời gian chúng ta có:
Đức Phật TC  Lão Tử  Khổng tử  Socrate  Platon ….
(Ở Trung Hoa, Lão tử và Khổng tử xem như đồng thời với nhau; Ở Hy Lạp, Socrate và Platon cũng vậy)

Thưa Anh Chị Em,
Lão tử thì chủ trương Vô vi mà Khổng tử thì chủ trương “làm sáng cái đức sáng” nên hôm nay ACE chúng ta được nghe câu chuyện Đạo thú vị giữa 2 vị thánh nhân ấy để suy gẫm.

Một hôm Khổng tử đến kinh đô nhà Chu tìm Lão Tử để hỏi Đạo, Lão tử đích thân ra đón tiếp, vô cùng trọng vọng. Khổng tử hỏi Lão tử về rất nhiều vấn đề từ nhân sinh đến vũ trụ. Cuối cùng Lão tử nói với Khổng tử: “Ngài học quá nhiều! Tiếc rằng toàn những lời của cổ nhân. Họ đã chết lâu rồi, lời của họ cũng đã rục nát từ lâu; sao ngài cứ còn “nhai đi nhai lại” làm chi vậy? Đã thế, đi đến đâu ngài cũng tỏ ra là “chí minh, đỉnh cao của trí tuệ” sáng và nóng hơn cả mặt trời giữa buổi trưa mùa hè. Ngài không cảm thấy thiên hạ nóng mặt vì “cái chí minh” đó sao?” Khổng tử lắng nghe lời chỉ giáo của Lão tử, xong lặng lẽ cáo lui. Trở về, Khổng tử đóng kín cửa, ba ngày không tiếp khách, cũng không lên lớp dạy học. Các đệ tử của ngài ngơ ngác nhìn nhau không hiểu chuyện gì đã xảy ra. Hôm sau thầy Tử Lộ, một đại đệ tử của đức Khổng tử, mới hỏi: “Thầy đàm đạo với Lão tử có gì lạ không, thưa Thầy?” đức Khổng tử đáp: “ta nghe lời Lão nói, mở miệng ra mà không ngậm lại được. Ta thấy cá bơi, biết có thể bắt bằng lưới; thú chạy có thể bẩy; chim bay có thể dùng cung tên mà bắn … Con rồng ẩn hiện biến hoá không lường được, hết biết nỗi! Than ôi! Nay ta thấy Lão Tử như gặp rồng”

Hiện nay thiên hạ của thế kỷ 21 đã biết đến Lão Tử, tác phẩm Đạo Đức Kinh của Lão Tử đã được dịch ra nhiều thứ tiếng: Anh, Pháp, Nga, Nhật, Đức… báo New York Times đã tôn vinh Lão Tử là một trong 10 bậc thượng thủ tiêu biểu cho văn hoá tối cổ của nhân lọai.

Trong Đạo Đức Kinh, Lão tử dạy về “Có và Không” như sau:

“Không” là tên gọi lúc khởi đầu Trời Đất
“Có” là tên gọi lúc nẩy sinh Vạn vật
Nên lấy cái Không để chiêm ngưỡng sự diệu kỳ
Nên lấy cái Có để xem xét cái tinh vi
Hai cái đó xuất hiện đồng thời, cùng nơi mà khác tên nhau
Vừa đồng lại vừa dị, nên gọi là Huyền
Một huyền lại một huyền, nên gọi là Diệu
Cảnh giới Huyền Diệu của Sự Thật thường hằng

Thưa Anh Chị Em,
Câu chuyện giữa hai nhà hiền triết Khổng Tử và Lão tử làm chúng ta nhớ đến những giai thoại giữa trưởng giả Duy Ma Cật với chư vị đệ tử Thanh Văn của Phật như ngài Xá Lợi Phất, ngài Mục Kiền Liên, ngài A Nan v..v.. và những lời bàn về Có-Không của Lão tử gợi cho ta nhớ đến “Chân Không _ Diệu Hữu” của nhà Phật. Có phải chăng “Những tư tưởng lớn gặp nhau” _ mặc dù đức Phật Thích Ca sống trước Lão Tử hơn một thế kỷ?

Kính chúc Anh Chị Em Lam viên 4 phương một ngày cuối tuần an lạc và thảnh thơi.

Trân trọng,
BBT

479 lượt xem