Thưa Anh Chị Em Huynh Trưởng bốn phương,
 Người Huynh trưởng Gia Đình Phật Tử không bị ràng buộc bởi một pháp môn tu nào, một tông phái nào, miễn là mục đích tôn chỉ là Phật Pháp, những điều cốt lõi của lời Phật dạy, là được rồi. Thế cho nên ACE Huynh Trưởng chúng ta dù lớn tuổi hay trẻ tuổi, dù là Huynh trưởng Lộc Uyển, hay Vạn Hạnh đều lấy mấy câu đầu tiên của Kinh Pháp Cú làm kim chỉ nam:
 
“Tránh tất cả các việc ác
Làm tất cả các việc thiện
 Giữ tâm ý trong sạch”

Lời chư Phật dạy!

Thưa Anh Chị Em,

Thế nhưng khi đi vào định nghĩa THIỆN và ÁC (BẤT THIỆN) thì lại có vấn đề! Đó chính là nguyên nhân chia ra thành nhiều tông phái Phật giáo khác nhau, vì một nhóm người đồng ý với định nghĩa này mà nhóm kia không chấp nhận, họ chọn một định nghĩa khác, hình thành một tông phái khác phù hợp với định nghĩa của mình v.v.. Gia Đình Phật chúng ta không bị ràng buộc bởi những định nghĩa nên không phủ nhận hay thừa nhận những hình thức nghi lễ thế gian của các tông phái, cho nên thoát ra được, đứng ngoài các tông phái, chúng ta không phân biệt chùa nào là của Nam Tông, của Bắc Tông, của Thiền Tào Động, hay của Nhật Liên Tông v.v.. Chúng ta tôn trọng tất cả tôn chỉ của họ, nhưng chúng ta có định nghĩa về Thiện và Ác (Bất thiện) theo Pháp (Dhamma), nghĩa là theo Qui Luật Chung của Tự Nhiên.

Bất cứ hành động nào làm hại người khác, quấy rối sự an lạc, hài hòa của người khác là bất thiện, là xấu ác.
Bất cứ hành động nào giúp ích cho người khác, mang lại an lạc, hài hòa cho người khác trong hiện tại và trong tương lai là thiện, là tốt lành.

Vì theo qui luật tự nhiên, trước khi chúng ta có thể làm những việc có hại cho người khác, chính là tự hại mình, vì tâm chúng ta phải chất chứa những phiền não như ganh ghét, nóng giận, sợ hãi, thù oán v.v.. và mỗi khi trong tâm phát khởi lên những phiền não như vậy thì chúng ta trở nên đau khổ, chúng ta phải sống trong “địa ngục nội tâm”, nghĩa là mình tự dựng lên một địa ngục ngay trong lòng mình, trong tâm trí mình.

Tương tự như thế, chúng ta không thể làm những việc giúp ích cho người khác nếu trước đó tâm chúng ta không phát khởi tình thương, thiện chí, lòng từ bi… Tâm này được gọi là Tâm thanh tịnh. Như vậy, ngay khi chúng ta phát triển được những phẩm chất tốt đẹp của một Tâm thanh tịnh thì chúng ta đã bắt đầu hưởng được một “thiên đường an lạc nội tâm”, điều đó có nghĩa: thiên đường hay địa ngục cũng ở ngay trong TÂM của chúng ta mà thôi. Và kết luận tất nhiên mà chúng ta suy ra được là: Khi chúng ta giúp đỡ người khác, chúng ta đã đồng thời tự giúp mình; ngược lại, khi chúng ta làm hại ai, chúng ta đồng thời làm hại chính mình; đây chính là Pháp (Dhamma), là chân lý, là quy luật tự nhiên.

Con đường của Dhamma được gọi là Bát Chánh Đạo, nghĩa là ai tu tập theo đường lối này, thì sẽ trở nên thánh thiện, sẽ trở thành một Thánh nhân. Con đường này gồm có 3 phần: Giới (Sila), Định (Samadhi) và Tuệ (Prãjna). Giới giúp chúng ta tránh những lời nói và hành động bất thiện, thực hành những việc thiện, lành; Định giúp chúng ta làm chủ được Tâm và Tuệ giúp thanh lọc tâm ý.

Ba mục thuộc về GIỚI trong Bát Chánh Đạo là: Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng.
Ba mục thuộc về ĐỊNH là: Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm, Chánh Định.
Hai mục thuộc về TUỆ là: Chánh Kiến và Chánh Tư Duy.

Đây là nội dung bài Bát Chánh Đạo trong chương trình tu học của ACE Huynh trưởng và đoàn sinh Gia Đình Phật Tử nên rất quen thuộc rồi, không cần khai triển.

Tuy nhiên, phần thực hành vẫn là rất quan trọng! Thiền sư Achaan Chan dạy rằng Tu Bát Chánh Đạo ngay nơi thân ngũ uẩn này: đó là tu nơi 2 Con Mắt, 2 Lỗ Tai và cái Miệng (Lưỡi). Vì sao? Xin thưa, vì đó là những cửa ngõ, nơi Tâm chúng ta tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Chúng ta tu 2 Con Mắt có nghĩa là tập luyện sao cho cái Thấy chỉ là cái thấy, cái Nghe chỉ là cái nghe: Thấy 1 bông hoa đẹp, một vật qúi, một giai nhân… Thì ghi nhận trong Tâm: Đây là 1 bông hoa đẹp, đây là một vật quí (vòng ngọc, bình ngọc, chuỗi hạt trân châu v.v..), đây là một ngưòi đẹp. Cái thấy chỉ thuần túy là cái Thấy có nghĩa là chỉ Thấy thôi mà Tâm không khởi lên một ý niệm nào (khen/chê, ham muốn/ghét bỏ, v.v..) Cái thấy thuần túy là cái thấy thanh tịnh; nếu xen vào những tư tưởng phân biệt thì đó gọi là những vọng tưởng; khi vọng tưởng nổi lên thì Tâm không còn thanh tịnh nữa, nói cách khác là Tâm đã bị ô nhiễm. Tương tự, khi nghe cũng để cho cái Nghe thuần túy là nghe thôi: nghe là phân biệt được tiếng người nói, tiếng chim hót, tiếng còi xe hơi, v.v..  nghe với tâm không phân biệt. Nghe khen biết đó là lời khen, nghe chê biết đó là lời chê nhưng Tâm giữ bình đẳng, không khởi thương ghét, vui buồn v.v.. Nếu nghe mà để vui, buồn, yêu ghét vào trong đó… thì cái Nghe (Tâm) không còn yên tĩnh, thanh tịnh nữa, đã bị cảm xúc kéo đi đến những ý nghĩ tiếp theo như tham đắm, giận hờn, ganh tị v.v.. là những chất độc hại làm Tâm ô nhiễm. Tu cái Miệng là phải hết sức cẩn trọng với LỜI nói (cái Lưỡi): nói đúng sự Thật, nói lời thân ái, đoàn kết, nói những điều lợi người, lợi mình, không nói những lời hý luận. ACE chúng ta đều quen thuộc với những câu như “Phải uốn lưỡi 7 lần trước khi nói” hay “Lời nói không mất tiền mua, Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau” hay “Một lời nói, một đọi máu” v.v.. vì lời nói rất quan trọng, tuy không gươm không giáo nhưng có khả năng giết chết một hay nhiều mạng người! Nói cách khác, với Tâm chánh niệm chúng ta có thể thực hành Bát Chánh Đạo ngay trong đời sống hằng ngày từng giờ từng phút, trong từng cử chỉ, hành vi: đi, đứng, nằm, ngồi, nói năng, im lặng…
 
Rất mong ACE chúng ta lưu tâm!
 
Trân trọng,
BBT

424 lượt xem