Thưa Anh Chị Em Áo Lam,

Ca dao Việt Nam có câu:

Trai mà chi, gái mà chi
Con nào có nghĩa có nghì là hơn!

Để nói lên quan niệm “trọng nam khinh nữ” (coi trọng con trai và khinh thường con gái). Nhưng đó là thời xưa rồi, bây giờ trong xã hội, ngay trong nội các, quốc hội v.v.. người nữ đã có thể vượt xa nam giới về tài năng cũng như trí tuệ _ như bà Dương Nguyệt Ánh, một nhà khoa học xuất sắc là một điển hình _ nên không ai còn nghe các câu ca dao này nữa; nhưng trong hàng Phật tử chúng ta lại có nghe câu:

Danh mà chi, tướng mà chi,
Con nào có nghĩa có nghì là hơn!

Ca dao tục ngữ nói lên những điều do kinh nghiệm cuộc sống đem lại cho nên nó phản ảnh cuộc sống, câu nào lỗi thời thì không còn xuất hiện trên miệng của nhân gian nữa. Như vậy, tại sao bây giờ lại có câu nói này trong chúng ta? _ Xin thưa là tại vì có nhiều đứa con bình thường xưng danh rất ồn ào là con cưng của cha mẹ, là cháu nội đích tôn của ông bà v..v.. nhưng khi có việc cần lo cho cha mẹ, ông bà nội ngoại thì không bao giờ biết “xăn tay áo” lên mà lo, chỉ đứng ngoài nhìn và còn phá đám nữa! Những đứa con ấy bị thế gian chê cười là “con mất dạy”! Còn những đứa con được gọi là “có nghĩa có nghì” là những đứa con tuy bị cha mẹ hất hủi bỏ bê nhưng khi cha mẹ đau ốm, già yếu … chúng tới lui thăm hỏi săn sóc tận tình không cần ai kêu gọi, mời thỉnh. Tại sao mình gọi là cha mẹ? _ Vì mình mang giòng máu của họ, mình chịu chung vinh nhục, lên xuống của dòng họ v..v.. chứ không phải vì mình hưởng bổng lộc của họ!

Liên hệ thực tế giữa GĐPT với chư Tăng Ni, nói chung là Tăng Bảo. Chúng ta gọi chư Tăng Ni là cha mẹ không phải vì họ sinh mình ra, cũng không phải quý Thầy sáng lập ra GĐPT nhưng là vì chư vị sống theo đời sống đức Phật, đấng Thế Tôn của người Phật Tử, chúng ta là con của đức Phật, muốn noi theo gương Ngài, vậy thì chư Tăng Ni chính là hình ảnh mà chúng ta phải nương tựa và học tập; đồng thời phải bảo vệ khi cần; chỉ là vì vậy thôi.

Thưa Anh Chị Em,

Nếu đã là Phật tử mà nói rằng “tôi chỉ có nhị quy chứ không có tam quy vì tôi không phục mấy Thầy” thì thật là trật lất! “Mấy Thầy” là ai? Nếu chỉ có cá nhân Thầy A, hay Thầy B thì đâu có phải là Tam Bảo? Tam Bảo là tập thể Tăng già sống chung với nhau trong tinh thần Lục hoà, theo mô hình như ngày xưa Phật còn tại thế. Các bạn còn nhớ câu chuyện giữa vua Tịnh Phạn và đức Phật Thích Ca khi ngài trở về kinh thành Ca Tỳ La Vệ không? Ngài ôm bình bát dẫn đầu Tăng đoàn đi khất thực từng nhà trong kinh thành thủ đô mà vua cha của ngài cai trị. Vua không chịu nỗi, ra gặp Phật nói rằng:

_ Tại sao con làm như vậy, một vị vương giả lại đi xin ăn khắp thành phố, coi sao được?

Đức Phật trả lời:

_ Xin đức Vua cho phép con làm theo truyền thống của dòng họ con; vua ngạc nhiên:

_ Dòng họ con? đó là dòng họ vua chúa, được mọi người tôn kính chứ đâu phải dòng Thủ đà la hay Ba-li-a đâu mà phải đi xin ăn?

Đức Phật thưa: _ dạ, đó là dòng họ thế gian, còn dòng họ mà con muốn nói là dòng họ tâm linh của con, là chư Phật trong ba đời đều khất thực như vậy.

Thưa Anh Chị Em, chúng ta cũng như vậy, nói “chư Tăng Ni là cha mẹ chúng ta” là nói về giòng dõi tâm linh chứ không phải dòng dõi thế gian với họ Lê, họ Trần, họ Nguyễn, họ Lý … do vậy, chúng ta không thể từ chối vai trò “làm con” của mình cũng như không cần tranh dành với ai làm gì! Nhưng Tăng bảo không phải là một người _ cho dù người đó ở vào một chức vụ lãnh đạo cao nhất. Ngoài ra, như chúng ta đã biết, Giáo hội đầu tiên của Phật giáo chính là Tăng đoàn thời đức Phật. Như vậy, chúng ta đã rõ về ý nghĩa “cha con”, về Tăng bảo, về Giáo hội v..v.. Chúng ta không thể phủ nhận vai trò cố vấn giáo hạnh của chư Tăng Ni cũng như công ơn giáo dưỡng của chư vị, và chúng ta cũng không thể bảo rằng Phật giáo không cần Giáo hội hay không có Giáo hội.

Trở lại vấn đề: Cha mẹ phải như thế nào đối với con cái để con cái trở thành những đứa con “có nghĩa có nghì” mà không phải là những đứa con “mất dạy”? Tất cả anh chị em huynh trưởng chúng ta, phần nhiều đã có con cái nên đây không phải là câu hỏi khó trả lời! _ Muốn cho con cái mình có hiếu, bản thân mình phải làm gương, đừng gieo vào lòng con những hạt giống thiếu giáo dục, thiếu văn hoá … mà ngược lại phải gieo trồng, nuôi dưỡng và phát triễn những hạt giống nhân văn: hiểu biết, thương yêu, hiếu kính, từ bi, trí tuệ … Thật là hạnh phúc cho ai có được những bậc cha mẹ như vậy. Cha mẹ và con cái _ dù là theo thế gian hay trong truyền thống tâm linh _ không cần danh xưng, hình tướng gì cả, nhưng rất cần được chăm sóc lẫn nhau, trân trọng lẫn nhau như chăm sóc một đoá hoa hay thưởng thức một bức tranh nghệ thuật _ mà “những người ngoài đường” không thể nào cho mình hay nhận từ mình được.

Thân kính chúc Anh Chị Em và tất cả mọi người luôn tâm bình khí hoà để nhận chân được ai là cha mẹ / con cái của mình và ai là “những người ngoài đường” để ứng xử đúng cách, để không có gì phải hoang mang, chao đảo, lay động v.v. và nhất là để khỏi gây tổn thương cho đàn em và cả bản thân chúng ta.

Trân trọng,
Nhóm Áo Lam

421 lượt xem