ĐỜI NGƯỜI

Chỉ cần một hơi thở ra không hít vào được, hoặc một hơi hít vào mà không thở ra, mạng sống của ta như chấm dứt tại đó; Nên phải sống thế nào để không luống uổng thời gian là điều người trí không thể không tư duy quán xét.

Ngày Phật còn tại thế, trước khi thuyết pháp cho ai nói về vấn đề gì Phật khi nào cũng quán soi xét biết thuận thời đúng lúc Phật mới xuất hành.

Buổi sáng tại hương phòng vườn Cấp Cô Độc Thế Tôn dùng Thiên nhĩ nghe chư tỳ kheo tại giảng đường bình luận: Sinh mạng con người thật ngắn ngủi, phút chốc đã mạng chung do đó cần phải tu phạm hạnh hành các việc lành, thế mà đa phần giải đải chẳng mong cầu.

Đầu giờ chiều Thế Tôn xuống giảng đường hỏi:

– Ngày nầy các thầy tụ tập tại đây thảo luận về vấn đề chi? Đại chúng tỏ bày y như điều mà Thế Tôn đã nghe. Thế Tôn dạy:

– Lành thay! Lành thay! Các thầy nhận thức vấn đề như vậy là đúng. Chỉ có con đường phạm hạnh vâng làm tất cả mọi việc lành. Phàm việc gì đã có sinh ra thì nhất định phải có ngày chết. Nhưng đa phần chúng sanh đã làm ngược lại. Vì sao? Vì ngày xưa ở châu Diêm Phù Đề nầy chúng sanh thọ đến tám vạn bốn nghìn tuổi, của cải giàu có dư dả. Con gái đến năm trăm tuổi mới lấy chồng. Khí hậu thời tiết mát mẻ êm diệu, không có thiên tai bão lụt dịch họa. Tất cả đều được cai quản bởi Cao Lâu Bà một vị Chuyển Luân Thánh Vương thông minh trí tuệ. Đất nước có bảy thứ báu quý như pháp mà trị vì. Bấy giờ Phạm Chí A Lan Na sống một mình ở nơi yên tỉnh và đã tư duy đúng như chư hiền mà chí tín xuất gia mặc áo ca sa sống hạnh không nhà quyết chí cầu đạo và đi đến các nước khác bày tỏ chí nguyện của mình và hỏi lại họ sẽ phải làm gì? Các bậc thiện trí đều cho tư duy như A Lan Na là chân chánh và đồng cắt tóc xuất gia cầu đạo cả và đồng cung kính tôn A Lan Na làm thầy. Để cũng cố niềm tin ý chí năng lực và hành động A Lan Na bảo chúng đệ tử:

– Nầy các đệ tử, sinh mạng con người như hạt sương mai, rất khó giữ được. Rất ít, quá ít vị ngọt mà đau khổ tai hoạn thì quá lớn và nhiều. Đệ tử thương yêu! Cũng như khi trời mưa lớn nước giọt tạo thành bong bóng. Thoạt hiện thoạt biến, đời người nào có khác chi. Đời người như cây gậy ném xuống nước. Nó nổi lên rất nhanh, rất khó giữ được. Cũng như viên ngói mới nhúng vào bồn nước đem ra ngay để nơi nắng gió tức thì khô ráo, nào khác miếng thịt nhỏ bỏ vào nồi nước lớn đang sôi. Nó sẽ tiêu tan rất nhanh. Đời người cũng ngắn như thế. Niềm vui thì ít nỗi buồn bao la. Cũng như con bò theo chân người đồ tể. Mỗi bước chân là rút ngắn thọ mạng của chính mình. Mạng sống con người cũng như ngọn nước trên thác đổ xuống rất nhanh khó giữ lại được. Do vậy ngay bây giờ phải đoạn trừ tham lam, sân nhuế phải khử bỏ, thụy miên tạo hối và nghi phải nhất tâm đoạn diệt, pháp thiện chí thành vâng làm. Tâm ta cũng tương ưng với Từ biến mãn thập phương, không kết không oán, không nhuế, không tranh rộng rãi bao la thành tựu an trú. Với bài pháp trên đệ tử của A Lan Na không thực hành đầy đủ khi thân hoại mạng chung vẫn sanh vào thiện xứ. Bấy giờ A Lan Na liền nghĩ mình nên tu tăng thượng từ để được sanh vào Hoảng dục Thiên và ông đã thực hiện được điều ấy.

Đến đây Phật xác nhận bản sanh A Lan Na là tiền thân của ta và kết luận: Ngày ấy ta chưa thành vô thượng giác mà đã thuyết pháp lợi ích cả nhân thiên huống hồ nay đã trở thành Đấng Pháp Vương Vô Thượng và thi thiết dăn dò:

Trong đời nầy quý thầy thọ lắm cũng chỉ trăm năm trở lại. Trong khoản thời gian ấy nếu trừ đi thời gian đi ngủ, vệ sinh cá nhân, học tập đau ốm, làm việc. Hỏi thời gian quý thầy dành cho mình còn lại là bao lâu. Do vậy ở bất cứ nơi đâu cũng phải tinh tấn, không được phóng dật, mà phải nhất tâm tư duy hạ thủ tu trì theo giáo lý mà ta đã trình bày. Đại chúng nghe đến đây, cảm niệm ân đức sâu dày của Thế Tôn bùi ngùi rơi lụy thành tâm đảnh lễ y giáo vâng làm.

Anh chị em Lam Viên thân kính. Trên đây là toàn bộ nội dung kinh A Lan Na Trong bộ Trung A Hàm tôi xin thuật lại như là một sự chia ngọt xẻ bùi khi thời gian không cho phép và không gian thì ta ở cách xa nhau./.

Thị Nguyên xin chân thành đa tạ

378 lượt xem