CHÀNG NGỐC.
Sau lũy tre xanh kia là gia đình của đôi vợ chồng son. Chị buôn bán đảm đang, anh siêng năng chất phác. Tuy gặp nhau đã tám, chín năm mà chưa có con cái gì cả, song vợ chồng rất hòa thuận và tin yêu nhau hết lòng. Nhờ sự đồng tâm nhất trí, lại biết cần kiệm dành dụm nên không bao lâu anh chị được giàu to. Đại phàm khi lùi xùi thì không nói, chứ đã giàu mà thiếu chữ “sanh” sao coi không được. Vả lại phương ngôn có câu: “Vợ ngoan làm quan cho chồng” chị liền đem vàng mua cho anh hai chữ “bá hộ”. Thế là khi có đình đám đâu, anh cũng có áo địa xanh, khăn chữ nhất bệ vệ đi trước, chị thì tóc đuôi gà, dày hàm ếch đủng đỉnh theo sau.
Người ta thường bảo “phước bất trùng lai” (phước không khi nào đến hai lần) nhưng anh chị nhà này đã “cách mạng” câu nói ấy. Vì sau khi ăn khao bá hộ thì chị sanh hạ một cậu con trai. Vì hiếm hoi nên vợ chồng đặt tên con là “Cái Ngốc”. Ngốc siêng ăn, chống lớn, dễ nuôi, thấm thoắt thế mà đã lên mười rồi đấy, vợ chồng cho con nhập học ở ngay trường làng. Xưa nay hễ phú quý thì sanh lễ nghĩa, nên anh chị nuôi một chú bé cũng trạc tuổi con để ngày hai buổi ôm tráp hầu cậu đến trường. Tưởng đặt Ngốc chơi ai ngờ ngốc thật, thầy hét rầm rát cả, chữ nhất cũng không vô. Một tráp đựng đầy nghiêng với bút, mà trong lòng chẳng có chút văn chương. Tuy học chậm nhưng lớn mau. Cái Ngốc đã thành cậu Ngốc, một thanh niên mười tám tuổi.
Một hôm, cha mẹ cho lên dinh chơi phố. Cậu Ngốc ngỡ ngàng như đồng bào thượng về thành nội, thấy cái gì cũng đẹp, cũng ưa. Khi đi ngang qua một tòa biệt thự thì cậu đứng nhìn sững.
– Ồ nhà ai đẹp quá! Ba tầng cao ngất, hai tầng dưới thì còn đẹp vừa, chỉ có tầng trên hết là đẹp nhất, có bao lơn rộng, có chậu hoa to, trang hoàng mát mẻ mà nghiêm lệ.
Cậu bảo với tên tiểu đồng:
– Không biết ai làm ngôi nhà này mà đẹp quá!….
Có anh thợ nề đi qua, tình cờ nghe thế, liền đứng lại bảo:
– Nhà này của quan Thượng thư thuê tôi làm năm trước đấy.
Cậu Ngốc mừng quýnh, liền mời anh thợ cùng về với mình, để xin cha mẹ cấp cho một tòa nhà lầu như vậy.
Thợ cũng mừng quýnh, liền theo ngay cậu ngốc về quê. Ngốc thưa cha mẹ công chuyện và bảo bác thợ vẽ bản đồ nhà ấy cho cha mẹ xem. Khi trù giá tiền thì thấy đắt quá, cậu Ngốc cầm ngay bút quẹt hai tầng dưới, bảo:
– Thôi hai tầng dưới này không cần bác ạ, bác chỉ làm cho tôi cái tầng thứ ba kia.
Thấy bác thợ ngơ ngác, cậu Ngốc giải thích:
– Nếu làm cả ba tầng thì nhiều tiền quá, mà hai tầng dưới xấu tôi không ưng, vậy bác chịu phiền làm ngay tầng thứ ba cho tôi.
Bác thợ tưởng món bở bỏ việc theo cậu Ngốc về, nay nghe cậu Ngốc nói ngớ ngẩn bác thợ chưng hửng, tức quá, bác “xì” một cái thật dài rồi đi thẳng. Bác về kể chuyện lại mọi người đều cười lăn ra.
Câu chuyện này Đức Phật ví dụ với những người đệ tử Phật, không chịu bỏ dữ làm lành, giữ gìn ba nghiệp,… vv.. Đã vậy còn chê những quả vị thấp (Tu Đà Hoàn) mà muốn bước ngay lên địa vị A La Hán nên bị người đời chê cười, cũng như cậu Ngốc trong câu chuyện này vậy.
Thích nữ Thể Quán
BBT Sưu Tầm
Qua câu chuyện này hàng huynh trưởng chúng ta nhận ra một điều nữa: Trong việc tu học, phải dần dần từ dưới lên, phải có bậc dưới vững vàng rồi mới lên bậc trên, đừng nôn nóng. Xem nhẹ bậc thấp chỉ mong lên bậc cao thì không bao giờ được, như xây nhà lầu kia vậy.
509 lượt xem
Tin khác
NGƯỜI HUYNH TRƯỞNG GĐPTVN ĐỐI VỚI ĐẠI DỊCH COVID-19 Nhật Bảo – Nguyễn Đức Nguyên Thông ghi lại từ Pháp thoại của Hòa thượng Thích Thái Hòa đêm mùng 8…
Pháp thoại tuần lễ huân tu mùa Phật Đản phật lịch 2564 – dương lịch 2020 Mời các bạn xem lại clip hay và ý nghĩa nhân mùa Phật Đản của…
Trung Quán Luận được kiết tập trong Đại Chính tân tu Đại tạng kinh, tập 30, kinh số 1564 (T30n1564), được Cưu-ma-la-thập dịch sang Hán vào năm 409 từ nguyên văn tiếng Phạn do Bồ…
NGÀY THẾ TÔN THÀNH ĐẠO – MỘT KỶ NGUYÊN MỚI Ngày thành đạo của Đức Thế Tôn cách đây 26 thế kỷ, đã mở ra cho nhân…
BAN HƯỚNG DẪN TRUNG ƯƠNG GĐPTVN TỔ CHỨC GIẢI TRÌNH LUẬN VĂN BẬC LỰC LẦN THỨ 10 TẠI CHÙA THẬP THÁP DI ĐÀ – TỈNH BÌNH ĐỊNH Sáng ngày 16/11/2019…