Thưa Anh Chị Em Áo Lam,

Mọi ngưòi ai cũng khao khát hoà bình, người có đức Tin thì cầu nguyện cho thế giới hoà bình, chúng sanh an lạc, nhưng chúng ta chỉ cầu nguyện suông mà không tích cực đem hoà bình lại cho thế gian bằng cách làm cho tâm của mình hoà bình trước đã. Thật vậy, trong đời sống hằng ngày nhỏ hẹp của từng cá nhân thì chúng ta ích kỷ, ai đụng đến mình thì đùng đùng nổi giận; trong một nước thì nội chiến liên miên (20 năm nội chiến từng ngày!); trên thế giới thì khủng bố, ám sát, nói là “tử vì Đạo” mà lại khủng bố người ta!   !! Tử vì Đạo là khi đạo của mình lâm nguy, mình bị tù đày, giết chết .. ấy mới là tử vì Đạo chứ _ như các thánh tử đạo của những tháng ngày năm 1963, như Thầy Thiện Minh và vô số Tăng Ni Phật tử bị thủ tiêu, sát hại những ngày đầu 1975 v.v… danh từ Tử vì Đạo mới đúng nghĩa.

Nhìn lại lịch sử Việt Nam đời Trần chẳng hạn, từ vua đến dân đều thực hành Phật Pháp (vì hồi đó, Phật giáo gần như là quốc giáo), mấy vị tướng tài giỏi cũng tu Phật, nhưng cũng hết lòng bảo vệ giang sơn, như Trần Hưng Đạo đã bao lần đánh đuổi quân Mông Cổ, quân Nguyên v.v.. bảo vệ đất nước _ vì vậy, xin đừng ai nghĩ rằng tu Phật là bỏ bê chuyện đời, để đất nước rơi vào tay quân giặc!   !!

Thưa Anh Chị Em,

Nhóm Áo Lam xin giở lại những trang sử huy hoàng của Phật giáo Việt Nam đời nhà Trần để trân trọng giới thiệu với ACE vị thiền sư lỗi lạc: Tuệ Trung Thượng Sỹ (1230_1291). Tên thật của Ông là Trần Quốc Tung con trai trưởng của An Sinh Vương Trần Liễu, Ông là anh ruột của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn và hoàng hậu Thiên Cảm _ vợ vua Trần Thánh Tông và mẹ của Trần Nhân Tông. Đó là một thanh niên dung mạo phi phàm, trí tuệ siêu việt, từ nhỏ đã sùng mộ đạo Phật, lớn lên được cử đi làm quan ở Hồng Lộ và năm 1251 được vua Trần Thái Tông phong tước hiệu Hưng Ninh Vương. Ông cùng với em trai là Hưng Đạo Vương tham gia kháng chiến 3 lần chống quân Mông – Nguyên. Qua 3 lần tham gia bảo vệ đất nước đó, ông được thăng chức Tiết độ sứ nhưng ông xin từ quan về quê sinh sống, lấy hiệu là Tuệ Trung (chữ “thượng sỹ” là do người đời hâm mộ tôn xưng _” thượng sỹ “có nghĩa là con người cao thượng, tài ba lỗi lạc và đạo đức vượt lên trên mọi người). Ông sống đời bình thường của một cư sĩ, học Đạo với thiền sư Tiêu Diêu và trở nên một nhà thiền học uyên thâm Phật Pháp. Vua Trần Thánh Tông tôn Ông là sư huynh và Ông cũng là Thầy của vua Trần Nhân Tông. Thượng Sỹ là người có bản lĩnh, không câu nệ, giáo điều. Một hôm em gái ông, hoàng hậu Thiện Cảm, mời Ông dùng cơm, có mặt của học trò Ông là vua Trân Nhân Tông nữa. Ông tự nhiên gắp thịt cá ăn. Hoàng hậu ngạc nhiên hỏi: _ Anh tu thiền mà ăn thịt cá làm sao thành Phật được? Ông cười đáp: _ Phật là Phật mà Anh là Anh, Anh đâu cầu làm Phật mà Phật cũng đâu cần làm Anh?” Vua Trần Nhân Tông cũng thắc mắc nên hôm sau Ông trả lời vua bằng bài kệ như sau (Nguyễn Lang dịch):

Vạn pháp vô thường cả,
Tâm ngờ tội liền sinh
Xưa nay không một vật
Chẳng hạt chẳng mầm xanh
Hằng ngày khi đối cảnh
Cảnh đều do tâm sinh
Tâm cảnh đều không tịch
Khắp chốn tự viên thành

[bài kệ này làm chúng ta nhớ đến câu nói của 1 thiền sư: Đối cảnh không tâm, mạc vấn thiến => khi 6 Căn tiếp xúc với 6 trần mà không khởi tâm phân biệt vọng động thì không cần phải hỏi Thiền nữa]

Ngày 1/4/1291 Thượng Sỹ cho kê giường ở thiền đường tại Dưỡng Chân Trang, nằm xuống, nhắm mắt. Gia đình vợ con, những người hầu cận, gia nhân … khóc lóc, Thượng Sỹ mở mắt, ngồi dậy nói: _ “Sống chết lẽ thường, sao lại khóc than luyến tiếc làm náo động chân tính của ta, hãy im lặng tiễn ta đi” nói xong Thượng sỹ nằm xuống viên tịch, thọ 62 tuổi.

Ông để lại rất nhiều thơ văn chỉ rõ kiến giải của 1 thiền sư đắc đạo. Một trong những tác phẩm quan trọng đó là “Tuệ Trung Thượng Sỹ ngữ lục” do ngài Pháp Loa biên soạn.

Thân kính chúc Anh Chị Em _ một ngày như mọi ngày _ Tâm bình khí hoà để góp phần xây dựng một nền hoà bình cho thế giới và an lạc cho chúng sanh.

Trân trọng,
Nhóm Áo Lam

443 lượt xem