Lời khuyên người gây khổ đau cho kẻ khác
Đôi khi ta vô ý làm cho người khác đau khổ mà lại không biết. Cũng giống như ta không để ý đến sự kiện súc vật cũng cảm thấy thích thú và khổ đau. Cũng không dễ cho ta để cảm thấy sự khổ đau của đồng loại nếu như chính ta chưa từng biết khổ đau là gì. Dĩ nhiên là kẻ khác đang khổ đau, nhưng đối với ta thì lại không. Chỉ khi nào ta biết thốt lên rằng : « Nếu kẻ khác đánh tôi, nhục mạ tôi, thì tôi cũng sẽ cảm thấy đau khổ như bất cứ người nào khác », và khi biết nghĩ như thế thì lúc đó ta mới hình dung được là khổ đau sẽ như thế nào.
Một số người chẳng bao giờ chú ý đến sự ác độc mà họ đã gây ra cho người khác. Họ chỉ nghĩ rằng điều quan trọng là chính họ thoát ra được mọi khó khăn mà không hề hấn gì cả. Đây cũng là một điều vô tâm khác. Khi càng làm cho người khác khổ đau, ta lại càng tích lũy thêm mầm móng tạo ra khổ đau cho chính mình. Hơn nữa, khi làm hại cho xã hội thì đồng thời ta cũng làm hại gấp bội cho chính ta.
Nếu ta hành động sai trái với người khác thì hãy nên xem đó làm một điều để hối hận. Hãy nhìn nhận lỗi lầm của mình nhưng đừng nên nghĩ đến việc tự lên án mình vì làm như thế sẽ khiến mình không thể sống bình thường được. Không được phép quên những gì ta đã làm nhưng cũng đừng để cho tinh thần suy sụp hay cõi lòng tan nát vì hối hận. Tuy vậy ta cũng không được phép thờ ơ vì như thế cũng như là một sự quên lãng. Trái lại hãy tự tha thứ cho mình : « Trong quá khứ tôi đã từng lầm lỗi nhưng tôi sẽ không để xảy ra như thế nữa. Tôi là một con người và tôi có đủ khả năng để thoát ra khỏi những sai lầm của tôi ». Nếu ta mất hết hy vọng thì điều này có nghĩa là ta không đủ sức tha thứ lấy ta.
Nếu có thể thì hãy đến thăm một người nào đó mà ta đã gây thương tổn cho họ. Hãy nói với họ một cách thành thực rằng : « Trước đây vì có ác ý, tôi đã làm điều sai trái, xin bạn hãy tha thứ cho tôi ». Nếu kẻ khác nhận thấy được lòng ăn năn của ta và đồng thời những hận thù của họ cũng tan biến, thì có phải đấy là điều mà kinh sách nhà Phật gọi là « sự thú nhận để tu sửa » hay không ? Tuy nhiên cũng không nên cho rằng đấy là một khái niệm mang tính cách tôn giáo. Chỉ cần đến gần với những người mà ta đã từng làm cho họ đau khổ để tự nhận lỗi lầm về mình, để thành thực tỏ lộ sự ăn năn thì như thế cũng đủ để làm vơi mối oán hận trong lòng họ. Dĩ nhiên là muốn thực hiện được điều ấy thì cả hai bên cần phải đủ sức mở rộng lòng mình.
Có những kẻ cố tình làm điều hung ác thì trong trường hợp đó phản ứng duy nhất mà xã hội có thể làm được là dùng sức mạnh. Thật vậy ta nào có thể làm gì khác hơn đối với Hitler hay Pol Pot ?
Tôi nghĩ rằng việc cố tình làm điều tai ác không bắt nguồn từ bản tính con người. Khi sinh ra đời, ta chưa có nó và nó chỉ phát sinh về sau này mà thôi. Hitler nghĩ rằng người Do thái là những phần tử có hại cần phải loại trừ và cái ý tưởng đó bùng lên cho đến độ che lấp tất cả những cảm tính từ bi. Nói một cách tổng quát, tất cả những quan niệm cho rằng người khác là thù địch đều do trí tưởng tượng mà ra cả. Nói theo ngôn từ nhà Phật thì đấy là những gì do con người tạo dựng ngược lại với những gì hiện hữu một cách tự nhiên. Một ý nghĩ khi mới bùng lên thì ta cho nó là đúng, và thế rồi ta gán cho nó một tầm quan trọng rất lớn, xây dựng trên đó cả một chương trình để đem ra thực hiện mà không hề nghĩ đến những khổ đau có thể gây ra cho người khác (1).
Nếu muốn đưa những kẻ có xu hướng làm những việc như thế về con đường chính, thì trước hết phải đánh thức những cảm tính nhân bản sâu xa nơi họ và sau đó mới tìm cách tách họ ra khỏi những mục đích không tưởng của họ, được đến đâu hay đến đấy. Chỉ có cách làm như thế mới hy vọng có thể đánh thức được sự suy nghĩ của họ trước những gì họ làm. Nếu không thành công thì lúc ấy mới nên dựa vào sức mạnh mà thôi. Tuy nhiên không phải bất cứ thứ sức mạnh nào cũng được : dù cho họ phạm vào những tội ác khủng khiếp nhất, ta vẫn phải đối xử với họ thật nhân đạo. Đó là phương pháp duy nhất có thể áp dụng nếu ta muốn thấy một ngày nào đó họ sẽ đổi thay.
Tình thương là phương pháp cuối cùng để biến đổi con người khi đã bị giận dữ và hận thù xâm chiếm. Hãy tỏ lộ tình thương của ta thật bền vững, không xao xuyến, không mệt mỏi thì ta sẽ làm cho họ xúc động. Việc ấy đòi hỏi rất nhiều thời gian. Riêng cá nhân tôi chắc chắn là tôi không thể làm nổi. Ban đầu thì tôi cũng cố gắng tử tế nhưng rồi lại sẽ nản chí và tự nhủ rằng : « Thôi cứ mặc kệ nó! ». (Ngài bật cười thật to). Ta phải thật hết sức kiên nhẫn. Nếu như thiện tâm của ta hoàn toàn tinh khiết và tình thương cũng như lòng từ bi của ta không xao xuyến thì nhất định ta sẽ thành công.
Ghi chú:
1- Chẳng hạn khi nghĩ rằng bạo lực sẽ giải quyết được một vấn đề gì đó, thực hiện được một lý tưởng nào đó, một số người lãnh đạo hăng hái và quyết tâm đem ra thực hiện, nhưng kết quả mang đến chưa chắc đã đúng với những gì mà họ đã tưởng tượng hay dự đoán. Tuy nhiên cũng có thể biết bao nhiêu người đã hy sinh vì lòng hăng say và lý tưởng của họ.
489 lượt xem
Tin khác
NGƯỜI HUYNH TRƯỞNG GĐPTVN ĐỐI VỚI ĐẠI DỊCH COVID-19 Nhật Bảo – Nguyễn Đức Nguyên Thông ghi lại từ Pháp thoại của Hòa thượng Thích Thái Hòa đêm mùng 8…
Pháp thoại tuần lễ huân tu mùa Phật Đản phật lịch 2564 – dương lịch 2020 Mời các bạn xem lại clip hay và ý nghĩa nhân mùa Phật Đản của…
Trung Quán Luận được kiết tập trong Đại Chính tân tu Đại tạng kinh, tập 30, kinh số 1564 (T30n1564), được Cưu-ma-la-thập dịch sang Hán vào năm 409 từ nguyên văn tiếng Phạn do Bồ…
NGÀY THẾ TÔN THÀNH ĐẠO – MỘT KỶ NGUYÊN MỚI Ngày thành đạo của Đức Thế Tôn cách đây 26 thế kỷ, đã mở ra cho nhân…
BAN HƯỚNG DẪN TRUNG ƯƠNG GĐPTVN TỔ CHỨC GIẢI TRÌNH LUẬN VĂN BẬC LỰC LẦN THỨ 10 TẠI CHÙA THẬP THÁP DI ĐÀ – TỈNH BÌNH ĐỊNH Sáng ngày 16/11/2019…