TVGĐPT – Dưới đây là một tài liệu cũ của tác giả Nguyễn Cúc – người chủ trương Đặc san Tiếng Sông Hương, xuất bản ở Dallas, Texas, USA – viết, được Huynh Trưởng GĐPT Quảng Long – Nguyễn Thế Phước sưu khảo đã khá lâu và gởi tặng Thư Viện GĐPT. Xin trân trọng chuyển tải để Quý Độc Giả tường lãm và tham khảo. Hết lòng cảm ơn anh Nguyễn Thế Phước đã cung cấp cho tài liệu quý giá và hữu ích này.

–––oOo–––

Có một thời, cố đô Huế là nơi ca đờn xướng hát quanh năm. Huế quy tụ nhiều nhạc sĩ, nhiều lắm, nhiều như cây lá trên rừng! Nhà biên khảo nhạc Huế – Hoàng Yến(1) có lần nói như vậy, và cũng đúng như vậy.

Từ phủ đệ các ông hoàng bà chúa, các danh gia vọng tộc, quan lại công chức, đến các giới bình dân lao động, người thợ may, anh thợ giày, chị bán hàng chợ Đông Ba, người tài xế lái xe hàng quen thuộc… rất nhiều người thích hát thích ca. Không sành nghệ thuật cầm ca cũng thích nghe tiếng đờn, tiếng sáo hay làm quen với nghệ sĩ để được gọi là hơi hưởng tiếng đờn.

Nhớ lại thời ấy, thời vàng son của ca nhạc cổ điển Huế, không xa xưa lắm, trước năm 1945. Anh thợ hớt tóc đầu xóm, chỉ cần cây đờn nguyệt, đờn cò, lâu lâu réo rắc vài cung Nam Ai, Nam Bình hay bản Xàng Xê dễ đờn, dễ hát, tiêu khiển thì giờ phong lưu trong lúc chờ đợi khách. Cũng có khi nhờ tiếng đờn líu lo quyến rũ, người nghệ sĩ chủ tiệm hớt tóc có thêm khách hàng mới, lần lần trở thành khách cũ vấn vương lâu ngày vì tiếng đờn.

Lớp người này ảnh hưởng lớp người khác, đờn ca xướng hát trở thành thú giải trí thanh tao; sinh hoạt văn nghệ nhẹ nhàng ẩn hiện xóm này, xóm khác, nhờ đó nẩy nở thêm. Một nguyên do khác và cũng là yếu tố quan trọng, các nhạc cụ như đờn nguyệt, đờn cò, sản xuất tiểu công nghệ thô sơ, giản dị nên rẻ tiền, ai ai cũng mua sắm được không khó khăn.

Thích đờn thích hát như thú vui tinh thần cao thượng, nói chung do bản chất nghệ sĩ. Có những người, âm nhạc là nguồn sống mộng mơ ít nhiều lãng mạn. Song song với thú vui nghệ thuật, có những nhạc sĩ âm thầm lặng lẽ với mộng ước đời mình: lấy nghệ thuật để phụng sự đời, cuộc đời đẹp đẽ ước mơ bên kia trần thế.

Trong số những nghệ sĩ hiếm hoi ấy, có nhạc sĩ Bửu Bác, soạn giả tiên phong các thể nhạc tế lễ Phật Giáo từ những năm 1930-1935.

Xuất thân từ một gia đình trọng vọng, Bửu Bác sinh năm 1897, cụ thân sinh Ưng Vũ là cháu nội Miên Thẩm – Tùng Thiện Vương cùng với em, Tuy Lý Vương là hai nhà thơ lỗi lạc của thế kỷ 19, “Thi đáo Tùng, Tuy thất thịnh Đường”.

Ngoài tên húy Bửu Bác, bạn bè thân quen hay bà con xa gần vẫn thường gọi ông Trợ Bác, vì chàng thanh niên đang hăng hái nhập thế cuộc với chức Trợ Giáo đúng vào thời buổi nền giáo dục cấp tiểu học vừa mới phôi thai xây dựng. Một thời gian dạy học tại Huế, thuyên chuyển vô Quy Nhơn, xa gia đình buồn quá, lại chuyển đổi về Huế, rồi xin thôi việc luôn. Không làm thầy giáo, cũng không tha thiết chức quan, ông Trợ Bác lai rai làm việc tại Phủ Tôn Nhơn. Công việc làm ăn buôn bán trong nhà đã có “cô Trợ’’ trông nom quán xuyến!

Là mẫu người nghệ sĩ đặc biệt, nhà thơ Bửu Bác, bút hiệu Dã Kiều; vẫn thơ cổ nhưng thi tứ mới, thật mới so với các bạn thơ trong Hương Bình Thi Xã.

Tâm hồn lai láng rộng mở, 70 tuổi vẫn tưởng mình đang độ trung niên; sống nhiều, đi nhiều, cho nhiều và nhận lại cũng nhiều, nhưng ngó tới ngó lui, thấy vẫn còn chưa đủ:

Rộng thời gian mới bảy mươi năm
Vô tận kho tàng, chẳng thiếu, thâm…
(Dã Kiều: Bảy Mươi Tuổi Tự Thuật).

Vừa cổ học, vừa tân học, nhạc sĩ Bửu Bác với ngón đờn lão luyện tranh, tỳ, nguyệt, là một trong số mấy nhạc sĩ thế hệ cũ hiếm hoi đã ghi chép các điệu ca cổ truyền theo ký âm Tây Phương. Nhiều lắm, gần đủ bài bản các điệu Bắc, điệu Nam kèm theo lời ca mới.

Một mình một cõi, từ những xoang điệu cũ lời ca trữ tình, nhạc sĩ Bửu Bác đặt lại lời ca mới, hướng đi mới, trước nay chưa ai nghĩ đến. Cũng là điệu Nam, điệu Bắc, những Kim Tiền, Lưu Thủy, Cổ Bản, Long Ngâm, Phẩm Tiết, Ngũ Đới Thượng cổ xưa, nhưng lần này qua sáng tạo thi ca của Bửu Bác nghe như tiếng chuông Thiên Mụ hay tiếng trống Bát Nhã chùa Diệu Đế, hương khói trầm mặc bao la, khi Giác Ngộ, Hồi Hướng, khi Niệm Phật Trì kinh, khi Sáng Tâm Bồ Đề, Viên Mãn…(2)

Có những nhạc khúc hồ hởi chơi vơi, nhịp điệu xốc vác rộn ràng như Tẩu Mã, Xàng Xê, Hồ Quảng… qua lời ca mới của Phật tử Trừng Bạc, hát lên tưởng tượng như trầm hương đang tỏa rạng, quyện lẫn tâm nguyền, ánh từ bi nhiệm mầu an lạc…

Từ tâm thường đến vô thường, bài ca theo điệu Hồ Quảng quen thuộc với học sinh thế hệ 30, 40:

Đêm, đã sang tê tề,
Gà, sè sè cất cánh…

qua lời ca mới của Phật tử Trừng Bạc, trở thành bài hát cung nghinh Phật. Các nhạc sinh Ban Đồng Ấu tại chùa Thiên Mụ, Diệu Đế, Báo Quốc, Từ Đàm, Từ Hiếu… từ đó vang ca mỗi năm, ngày mồng Tám tháng Tư(3):

Kíp, lại lúc ra thành
Ngài dạo ngoài thiên hạ, cảm đời khổ tương tàn tương tranh.

Những bài bản cổ điển nói trên cùng với những sáng tác mới (theo ký âm Tây Phương) gom góp lại thành tuyển tập “Lễ Nhạc Thi Ca Đạo”, có thể xem là nhạc mục chính thức trong các buổi lễ Phật, nhạc sĩ Bửu Bác vừa là soạn giả kiêm huấn luyện, kiêm luôn công việc tổ chức và đạo diễn.

Không ngạc nhiên lắm khi biết rằng người nhạc sĩ thiết tha với nền cổ nhạc Huế ấy cũng là người hâm mộ nhạc Tây Phương, điệu nghệ với hai cây vĩ cầm và dương cầm ba bốn năm trời học tập công phu.

Cung đờn cũ, lời ca mới, tâm tư xúc động vì in dấu thời đại là bản Đăng-Đàn-Cung, điệu hát chậm, hơi nhạc vui tươi, vừa khoan thai vừa đài các. Gọi Đăng Đàn vì ban Đại Nhạc hợp tấu bản này khi vua ngự lên đàn Nam Giao hay trong các buổi lễ đại triều có tính cách ngoại giao(4).

Cung nhạc triều đình lễ nghi long trọng ngày xưa không có lời, Đăng-Đàn-Cung Bửu Bác có thêm lời ca mới, trở thành thanh nhạc ánh đạo vàng, một sự chuyển hướng nhẹ nhàng tự nhiên đối với một nhạc sĩ Hoàng phái và Phật Tử thuần thành như Bửu Bác – Trừng Bạc:

“Vui mừng gặp ngày nay, rằm vía tháng tư, là khánh tiết Phật Thích Ca, Ngài hiện về Ca Tỳ Là Vệ trong đời khổ vạn sức từ bi…”

Vốn sẵn có duyên nghệ thuật với nhạc Triều, nhạc Nội, nhờ được dự thính nhiều buổi trình diễn tại Duyệt Thị Đường, tâm hồn nghệ sĩ Bửu Bác càng lâu càng chan hòa thấm đậm với các loại nhạc cung đình như Đại Nhạc, Tiểu Nhạc, Nhạc Văn, Nhạc Võ hay các điệu vũ nhạc Đại Nội, múa Tú Linh, múa Bài Bông, múa Bát Tiên Hiến Thọ, múa Lục Cúng Hoa Đăng…

Thử tưởng tượng di sản nghệ thuật người xưa để lại, những âm thanh màu sắc vừa gần vừa xa đang biểu tượng một triều đại nay chỉ còn là âm vang dĩ vãng, tâm tư người nghệ sĩ xao động:

Bóng cờ phấp phới xa xa, lạt…(5)

Âm hưởng xa mờ từ hồn nhạc Việt, nhạc cung đình vọng lại, một ý nghĩ thoáng bùng lên. Làm sao sáng tạo một thể nhạc có tính cách tâm linh cao trọng, một thể nhạc quần chúng Phật Tử đang chờ đợi!

Những âm thanh cao vời lắng đọng, dịu dàng phát sinh từ chuông, trống, mõ, khánh…, những hình thức tu trì đạo hạnh như niệm, tụng, tán, trì, xướng, bạch… lắng nghe và cảm nhận sâu lắng đối với một tâm hồn đầy thơ đầy nhạc như Bửu Bác, đây chính là thanh nhạc ánh đạo vàng, là cung nhạc tâm linh cao trọng đang khai tâm mở lối. Nói rõ thêm, những màu sắc âm thanh diệu vợi đang hài duyên khởi nguồn thể nhạc mới người nghệ sĩ lâu nay trên đường tìm kiếm. Biểu hiện tượng trưng đầy đủ nhất, nhạc phẩm Hải Triều Âm [về sau đổi tên Trầm Hương Đốt](6).

Hải Triều Âm, bản nhạc in dấu một thời, thời điểm Phật Học trên đường chấn hưng (1930-1935). Hải Triều Âm mở đầu thể nhạc cúng lễ Phật Giáo, từ đó về sau “xông ngát mười phương”, và rồi đây các nhà biên khảo lịch sử Phật Giáo giai đoạn cận đại, không thể không nhắc đến soạn giả tâm hương tâm thành Bửu Bác./.

—oOo—

CHÚ THÍCH

(1) Hoàng Yến: La Musique à Hué. B.A.V.H. Juillet-Septembre 1919.

(2) Tựa đề mới với lời ca mới các cổ điệu cũ như Nam Ai, Nam Bình, Phú Lục, Lưu Thủy…

(3) Để có thêm tài liệu rõ ràng viết bài này, cùng với tập Lễ Nhạc Thi Ca Đạo do chị C.H.T.N. Tâm Nhung chuyển giao, ngườỉ viết soát xét lại những thông tin có được song song với ký ức từ gia đình người xưa, mấy chị em cùng một chữ Tâm TN, TM, TL, TQ, TT, những người đã giúp cha (trong nhà gọi bằng chú) trong công tác hát – múa của “Ban Đồng Ấu Phật Tử” thành lập năm 1934-1935, sau này còn tiếp tục.
Ban Đồng Ấu Phật Tử xây dựng nên do tâm thành mộ đạo của Nhạc sĩ Bửu Bác. Thành phần chủ lực trong việc thành lập là các gia đình Bửu Bác, gia đình Ái Liên, gia đình Lê Đình Thám. Hội trưởng Hội Phật Học lúc bấy giờ là cụ Nguyễn Khoa Tân, cũng là một nhạc sĩ nổi tiếng (xem Hoàng Yến: Cầm Học Tầm Nguyên. Tạp chí Nam Phong, 1917).
Đoàn hát – múa Phật Tử gồm hơn 50 em nhỏ, con cháu các gia đình Phật Tử. Gọi em nhỏ đồng ấu, nhưng có người cũng đã “quá tuổi đồng ấu” như Tâm Mỹ, Tâm Lợi, vừa đoàn viên ca múa, vừa phụ giúp hình thành các điệu múa.
Vừa đặt lời ca, vừa dạy múa hát và đạo diễn, một mình Nhạc sĩ Bửu Bác điều khiển Ban Đồng Ấu Phật Tử, sinh hoạt hàng tuần tại chùa Phước Điền (cho gần nhà, đường Gia Hội). Thành công vui mừng nhất là lần trình diễn đầu tiên, ngày lễ Phật Đản 1935 tại chùa Diệu Đế: các nhạc sinh mặc áo mũ mã tiên, cầm lồng đèn hoa sen, vừa đi vừa hát Đăng-Đàn-Cung, lời ca mới Bửu Bác: Vui mừng gặp ngày nay, rằm vía tháng tư…

(4) Nguyễn Trung Phán – Nguyễn Trung Nghệ: Sách Dạy Hát Tiếng Nam. Huế, 1929.

(5) Bóng cờ phấp phới xa xa, tạt…: Trông Chồng (thơ). Câu thơ hay trong những câu thơ hay của Thái Can; chỉ có bảy chữ nhưng diễn tả được bao nhiêu ý tình, tâm tư xao động, màu sắc và âm thanh.
Tiễn đưa chồng lên đường theo đoàn quân chinh chiến, bóng người chinh phu khuất mờ lần sau rừng cây…
Đoạn thơ 10 câu, đến đây kết thúc với 4 câu, đoạn cuối: “Bóng cờ phấp phới xa xa, tạt…”. Còn lại một mình người chinh phụ, ngẩn ngơ nhìn, hàng cờ sắc thắm rung rinh theo gió mỗi lúc một xa dần…
Nhạc thơ từ mạnh đến yếu, đến đây lắng chìm hẳn, giống như hình bóng gợi lên trong câu thơ, cả màu sắc lẫn âm thanh tan biến lần cho đến khi không còn nghe thấy gì nữa!

(6) Hải Triều Âm – Nhạc và lời Trừng Bạc, với thủ bút của tác giả, tủ sách Tiếng Sông Hương đang lưu giữ, bài hát Phật Giáo đầu tiên viết theo ký âm Tây Phương, đúng nguyên bản như sau:

Trầm hương đốt, xông ngát mười phương;
Nguyện, nguyện kính, đức nhân từ vô lường.
Cầu cầu xin chứng tâm thành chúng tôi,
Vận, vận khói, kết mây lành cúng dường.
Đạo nhiệm mầu, đã lan truyền nơi cùng nơi,
Nhờ chân lý, chúng sanh thoát luân hồi.
Đồng quy, kính quỳ dưới đài sen,
Dâng hoa thơm tinh khiết màu thắm tươi lành.
Đài quang minh, ánh huy hoàng trang nghiêm,
Ơn mười phương điền ngự, hào quang lành.
Nghìn đạo uyển chuyển, soi khắp quần sanh,
Phật đạo đồng, cùng nhau, tu tinh thần, mau viên thành.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Nhạc phẩm này về sau đổi lại tựa đề Trầm Hương Đốt, đổi luôn một phần lớn lời ca. Có lẽ dễ hát hơn, nhưng vì vậy đã làm mất đi rất nhiều tính cách Phật Giáo và lễ nhạc Phật tử Bửu Bác bao nhiêu năm tháng cưu mang sáng tác, mục đích ý nghĩa, lời ca và tinh thần nhạc phẩm.

NGUYỄN CÚC
(Tiếng Sông Hương)

———=oOo=———

PHẦN PHỤ LỤC

1. NHẠC PHẨM HẢI TRIỀU ÂM – BẢN VIẾT TAY
Thủ bút của Cố Nhạc Sỹ Phật Tử BỬU BÁC, pháp danh TRỪNG BẠC
(Hiện nay là bài TRẦM HƯƠNG ĐỐT)

2. BẢN CHỤP LẠI TRANG CUỐI TÀI LIỆU ĐÁNH MÁY
CỦA TÁC GIẢ NGUYỄN CÚC

3. Đọc thêm:
BẢN CHỤP LẠI BÀI ĐIẾU VĂN CỦA GĐPTVN TẠI HOA KỲ

Nguồn: Thư Viện GĐPT

1507 lượt xem