NHỮNG NGÀY ĐẦU CỦA
GIA ĐÌNH PHẬT HÓA PHỔ

(Ðây là một hồi ký, nên không tránh khỏi nhắc đến chữ “tôi”. Mong bạn đọc hiểu cho).
Lê Lừng.

Ban Ðồng Ấu do An Nam Phật Học Hội tùy cơ thành lập, không có tánh cách chính thức, quả là bước đầu của Gia Ðình Phật Hóa Phổ bảy tám năm về sau. Vì không có mục đích rõ rệt, thiếu người chỉ đạo, chỉ có tánh cách địa phương nhỏ (các bạn chỉ ở quanh vùng Nam Giao, Bến Ngự) không lan rộng toàn tỉnh, nên khó có thể tổ chức ra các tỉnh khác. Vì vậy sau ba lần có mặt đông đủ, các bạn phần đi xa vì sinh kế, phần đến học hành tỉnh khác v.v… nên phong trào vì đó cũng không đứng vững. Kẻ viết hồi ký nầy, tuy ở Ðập Ðá, nhưng nhờ gia đình phụng Phật, và hồi đó tánh cũng ham vui, nên hàng tuần đều đặn lên nhà ông Bửu Bác, cạnh chùa Từ Ðàm, để tập hát, chuẩn bị cho ngày đại lễ Phật Ðản đầu tiên do An Nam Phật Học Hội (Société d’étude et d’exercice de la religion bouddhique en Annam, viết tắt là S.E.E.R.B.A) tổ chức tại cố đô Huế.

Sau đây là ba dịp đáng ghi nhớ anh em Ðồng Ấu chúng tôi có mặt đông đủ:

Lần thứ nhất, đại lễ Phật Ðản:

Ðây là một ngày hội lớn nhất từ xưa đến lúc bấy giờ ở Huế. Chùa Diệu Đế là nơi làm lễ chánh thức. Tấp nập mấy ngày trước mồng Tám tháng Tư (lúc nầy chưa theo tài liệu chánh thức đổi ngày đản sanh Phật ra ngày Rằm tháng Tư), thiện nam, tín nữ đến cúng dường đông vô số. Trong số nầy có bà Từ Cung, mẹ vua Bảo Ðại. Tối mồng 8, trên sông Gia Hội và trên sông Hương Giang, lấp lánh ánh đèn “đồng đinh đồng đăng” (một loại đèn bằng giấy đủ màu, xếp hình hoa sen, trong thắp đèn cầy, gắn trên bẹ chuối cho nổi trên mặt nước). Trên bộ có cuộc rước xe hoa rực rỡ. Trong số xe hoa nầy, xe đặt tượng Phật Ðản Sinh lộng lẫy và quan trọng nhất. Chúng tôi, Ban Đồng Ấu, áo dài the xanh, đeo băng vàng ghi câu Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Chúng tôi vừa theo xe vừa hát điệu Ðăng Ðàn Cung “Vui mừng gặp ngày nay mồng tám tháng tư, là khánh tiết Phật Thích Ca Ngài, hiện về Ca Tỳ La Vệ…”, và các bài khác như Trầm Hương Ðốt, những bài tán thán Đức Phật theo điệu Kim Tiền, Phú Lục, Long Ngâm v.v… do ông Bửu Bác viết. Theo sau là các Thầy, các Ni Cô… Ðoàn xe dài hơn cây số. Chúng tôi đi từ chùa Diệu Ðế lên chùa Từ Ðàm, trụ sở của An Nam Phật Học Hội. Tối mồng bảy, trước chùa Diệu Ðế có đốt pháo bông, biến hiện ra nhiều hoạt cảnh về sự tích Phật… Thật là một lễ hội xưng dương công đức Ðấng Thế Tôn chưa từng có.

Lần thứ nhì, Hội tiếp ông Goddard tại chùa Bảo Quốc:

Goddard là Dân biểu Ðảng Xã Hội, do Thủ tướng Pháp lúc ấy là Léon Blum thuộc Mặt Trận Bình Dân, cử sang Việt Nam tìm hiểu tình hình nước ta. Ðây là lần đầu tiên tại Huế có một cuộc biểu tình của học sinh và các nhà yêu nước tổ chức nhân dịp Goddard đến cố đô. Cũng có cảnh “police’ (cảnh sát) đuổi chạy rượt nhau với người biểu tình, vừa chạy vừa hô khẩu hiệu chống Pháp. Sôi nổi nhất là trước chợ Ðông Ba, cho đến hiệu sách gần cửa Thượng Tứ của Hải Triều Nguyễn Khoa Văn.

Tối An Nam Phật Học Hội tiếp Goddard tại chùa Bảo Quốc, anh em Ðồng Ấu chúng tôi xếp hàng làm dàn chào, hát những bài tán dương công đức Phật như ngày mồng 8 tháng 4. Chúng tôi lúc ấy còn nhỏ, chỉ biết xếp hàng hát, chẳng biết làm gì thêm.

Lần thứ ba, đưa đám tang Thầy Thích Mật Khế:(1)

Tại khu rừng trong khuôn viên chùa Trúc Lâm là chỗ an nghĩ của Thầy Thích Mật Khế, đồng môn của Thầy Thích Mật Thể…, anh em Ðồng Ấu chúng tôi vừa niệm Nam Mô Tiếp Dẫn Ðạo Sư A Di Ðà Phật, vừa khóc, nghe bài ai điếu của Bác sĩ Tâm Minh Lê Ðình Thám đọc trước mộ phần Thầy. Lúc ấy chưa có hỏa thiêu nên chỉ làm lễ chôn.

Từ đó, anh em chúng tôi không còn dịp nào sanh hoạt chung và gặp gỡ nhau nữa.

Bảy, tám năm sau, tôi (kẻ viết bài nầy) không nhớ rõ là năm nào, hình như năm 1940, tôi gặp duyên lành làm thư ký cho An Nam Phật Học Hội, đồng thời là thư ký riêng cho Bác sĩ Lê Ðình Thám, tốc ký viên (nghiệp dư) viết bài, viết kinh do Bác sĩ đọc và dịch, rồi đánh máy đăng nguyệt san Viên Âm, tờ báo chính thức của hội, do Bác sĩ Tâm Minh làm chủ bút. Bác sĩ không bao giờ tự tay viết bài, mà chỉ đọc ra, cho tôi ghi lại.

Lúc đó, Lê Ðình Luân (con bác sĩ Tâm Minh, đã mất trong kháng chiến tại liên khu V) và tôi, đồng là Hướng Đạo Sinh trong Đoàn Ðinh Bộ Lĩnh. Gia đình Bác sĩ lúc bấy giờ có lệ là đến sáu giờ chiều, anh em trong nhà tập trung cùng các bạn nhỏ trong xóm, tụng kinh lễ Phật. Số anh em khá đông.

Luân và tôi có ý kiến là tại sao chúng ta không lập một Đoàn Hướng Đạo Phật Tử, như bên Pháp, có Eclareur de France là đoàn Hướng Đạo của Thiên Chúa Giáo? Vì số anh em cũng khá đông, nên chúng tôi có ý như vậy. Luân xin ý kiến của Thầy (tức là Bác sĩ Lê Ðình Thám, các con của Bác sĩ đều gọi cha là Thầy). Bác sĩ chấp thuận, nhưng không để danh xưng là Hướng Đạo Phật Tử, mà là Gia Ðình Phật Hóa Phổ, lấy tên Gia Trưởng làm tên, như Gia Đình chúng tôi, là Gia Ðình Phật Hóa Phổ Tâm Minh; và Gia Ðình Phật Hóa Phổ Tâm Minh là Gia Ðình Phật Hóa Phổ đầu tiên vậy.

Chúng tôi không lấy hướng đạo làm mục đích hoạt động, mà lấy gia đình phụng Phật làm phương tiện căn bản. Hơn nữa, đã lập Đoàn Hướng Đạo thì phải có phép của Liên Ðoàn Hướng Ðạo và như vậy là có liên hệ đến chánh quyền. Phật Giáo là tự do tự tại, chúng tôi không muốn bị ràng buộc vào bất cứ hình thức nào. Với phương châm Hòa Thuận – Tin Yêu – Vui Vẻ, chúng tôi mong Gia Ðình Phật Hóa Phổ rộng rãi đến đại chúng và lấy đại chúng làm gia đình.

Lúc đó, anh em chúng tôi có: người trong nhà, là chị Lê Thị Ngọc Anh (Mẫn Em), Lê Thị Thể Dư, Lê Ðình Luân, Lê Ðình Liêm, Lê Ðình Lực, đều là con Bác sĩ Tâm Minh; Lê Ðình Kiền, Lê Ðình Cũng (cháu gọi Bác sĩ là bác); Hồ Ðắc Lệ, Hồ Ðắc Bích (em bà Bác sĩ) và tôi. Tham gia có 4 anh chị ở trước mặt nhà (anh Tạo, chị Thúy…) các em ở trên xóm Từ Ðàm, như Nguyễn Tấn Phước, Nguyễn Ngọc Loan v.v…

Các anh Ngô Ðiền, Ðinh Văn Vinh, Ngô Thừa, tuy ở chung một nhà với chúng tôi, nhưng các anh phụ trách Thanh Niên Phật Học Ðức Dục, không sanh hoạt với chúng tôi. Chỉ có anh Ngô Thừa là hay tham gia cùng chúng tôi trong các lễ sanh nhật, các trò chơi nhỏ tại nhà. Anh Lê Ðình Duyên (con đầu Bác sĩ) lâu lâu ở Quảng Nam ra chơi vài hôm, cũng có tham gia theo thời gian, cũng như các chị Lê Thị Nhì, Phiên, Liên, Lan, Hà …(cháu Bác sĩ) cũng đôi khi sanh hoạt cùng chúng tôi, nhưng không đều. Về sau Anh Duyên có lập Gia Ðình Phật Hóa Phổ ở Kỳ Lam (Quảng Nam).

Vì chị Lê Thị Ngọc Anh (Mẫn Em) coi sóc tất cả việc trong nhà, nên chúng tôi bầu chị làm Hội Trưởng. Tôi làm Thư Ký. Chúng tôi chia làm hai Đội, ban đầu lấy tên Nhu Hòa và Nhẫn Nhục, sau đổi thành An Lạc và Tinh Tấn cho có vẻ mạnh hơn. Những tên Đội nầy đều do Bác sĩ Lê Ðình Thám đặt cho.

Mục tiêu Gia Ðình Phật Hóa Phổ lúc ấy thật đơn giản:

– Phụng Phật, lễ Phật hàng ngày.

– Mỗi ngày làm một việc lành. Tôi còn nhớ Thể Dư lấy đường phèn rải trong vườn cho kiến ăn để làm việc thiện. Chúng tôi trẻ con đến như vậy!

– Hồi đó, học sinh, kể cả người lớn, những câu chuyện trao đổi thường ngày với nhau hay chen vào tiếng Pháp như toi, moi, vous v.v… Chúng tôi định rằng đã dùng tiếng Pháp thì phải nói cho hết câu, còn câu tiếng mẹ đẻ không được chen vào tiếng Pháp, trừ những tiếng đã Việt hóa từ lâu. Mỗi anh em chúng tôi đều giữ một cuốn sổ, ghi việc thiện và ghi lỗi nói hai thứ tiếng. Việc nầy thực hành trong tinh thần tự giác. Trong buổi họp hàng tuần, đem ra kiểm lại, xem như điểm “thi đua”.

– Tổ chức cắm trại, hai, ba tuần một lần. Ở Huế không thiếu địa điểm lý tưởng, nên chúng tôi thường đi. Mỗi lần cắm trại đều có trò chơi lớn. Cũng có khám trại của mỗi Đội: chỗ nấu ăn, chỗ vệ sinh… đặc biệt là trại của mỗi Đội đều có thiết bàn Phật nhỏ rất trang nghiêm. Tôi thường làm Trại Trưởng. Ông bà Bác sĩ thường có dự vui chơi với chúng tôi. Còn những trò chơi nhỏ ở nhà, có thể nói là không bao giờ thiếu mặt Bác sĩ. Sau mỗi lần đi cắm trại, đều có một bài tường thuật do tôi phụ trách viết.

– Thường đến chùa Từ Ðàm nghe giảng kinh, lễ Phật.

– Học những bài Phật Pháp thường thức.

Ðến ngày sinh nhật của mỗi anh em, đều có tổ chức lễ. Cùng quà tặng, đóng kịch vui, kịch về lịch sử Phật, kịch giáo dục…

– Với tinh thần tự giác tự nguyện, anh em chúng tôi đều thương yêu nhau chân thật như người ruột thịt, không phân biệt sang hèn. Bài hát Dây Thân Ái cũng là biểu hiện của tình yêu thương đó vậy.

Gia Đình Tâm Minh làm gương tốt, nên các gia đình khác lần lược được thành lập: Gia Đình ông Tôn Thất Tùng ở Bến Ngự, sẵn có anh Ðinh Văn Nam(2) ở đó dìu dắt; Gia Đình ông Nguyễn Khoa Toàn ở Vĩ Dạ, có bạn Hướng Đạo chúng tôi là Nguyễn Khoa Việt Nam chịu trách nhiệm; Gia Đình các bác trong Ban Trị Sự Hội, như Gia Đình bác Nghè Khát, Gia Đình ông Phán Sách; Gia Đình ông Bửu Bác v.v… lần lượt ra đời với các Gia Đình khác ở các Khuôn Hội Phật Giáo ở trong tỉnh Thừa Thiên.

Đại Hội Gia Đình Phật Hóa Phổ đầu tiên tại chùa Từ Đàm – Huế năm 1951 (Cải danh Gia Đình Phật Hóa Phổ thành Gia Đình Phật Tử).

Nói đến Gia Ðình Phật Hóa Phổ tưởng cũng nên nói đến hoa sen, huy hiệu của Gia Ðình Phật Hóa Phổ và bài hát Dây Thân Ái phát xuất từ Gia Ðình Tâm Minh.

Thông thường, Hướng Đạo Sinh nào đã lập lời hứa (tuyên thệ), đều được đeo huy hiệu Hoa Huệ (fleur de lis) trên túi áo trái, và từ đó mới được bắt tay trái (phía tim) các bạn khác đã tuyên thệ rồi. Chúng tôi, anh em trong Gia Ðình Phật Hóa Phổ, không chú trọng hình thức tuyên thệ, vì đã cùng thờ Bổn Sư chung, cùng một Từ Phụ thì đã là anh em, cùng đều là con Phật rồi. Nhưng, tôi muốn có huy hiệu gì đó cho vui vui, để khi đi cắm trại hay họp mặt với các gia đình khác, hoặc để dự lễ tại chùa, nên tôi mới vẽ ra huy hiệu Hoa Sen. Thật sự, khi vẽ, tôi chỉ có ý nghĩ hoa sen là tượng trưng cho Phật Giáo, vẽ sao cho mỹ thuật, cho đẹp thôi. Ý nghĩa uyên nguyên của tôi là như vậy, không hề theo một chút Phật lý nào khi vẽ. Nhưng dầu sao, tôi cũng xin ý kiến của Cố Vấn tối cao là Bác sĩ Tâm Minh, sau khi vẽ xong, và được Bác sĩ chấp nhận. Về sau, các Tôn Túc từ bi giải thích rõ ràng, tại sao trên 5 cánh, dưới 3 cánh, tại sao màu lục trên hình nón v.v… tôi mới biết việc mình làm quả là thiện duyên vậy.

Huy hiệu GĐPT
Huy hiệu Hoa Sen – huy hiệu đầu tiên của Gia Đình Phật Hóa Phổ, sau đó trở thành huy hiệu chính thức của Gia Đình Phật Tử Việt Nam đến nay.

Nhân đây, tôi xin mạn phép có chút suy nghĩ về việc có người phân biệt sen đỏ, sen trắng v.v… Kinh Di Ðà nơi Cực Lạc Quốc có sen xanh, sen trắng, sen vàng, đều tỏa hào quang theo màu sắc của mỗi loại hoa. Hoa sen nào cũng là hoa sen, chỉ vì tâm chúng ta phân biệt ra đó thôi. Ở cõi Phật thì vật vô tình như hoa sen cũng thành Phật đạo, vì cũng đồng pháp giới tính như chúng ta. Ngày xưa, Phật có huyền ký rằng đạo Phật sẽ chia ra nhiều môn phái, cũng như một cây chia ra nhiều cành nhánh, nhưng cành nhánh nào rồi cũng đơm hoa kết trái cả. Như vậy, nên tránh một điều có thể coi như là cần thiết của đạo Phật là cái tâm phân biệt. Có thể vì lý do nào đó, con đường đến bảo sở có khác vì phương tiện nầy hay phương tiện nọ, nhưng rồi chúng ta cũng sẽ đến thôi. Cần gì phải biến Phật Giáo thành chuyện kiếm hiệp, nào ấn, nào chưởng môn v.v… xin anh em “Gia Ðình Phật Tử” suy nghĩ về điểm nầy.

Vào những năm 1930, 1940, đa số người muốn hát cho vui, đều hát theo bài hát tiếng Pháp. Người lớn thì Madelon, J’ai deux amouers, Guitare d’amour, C’est à Capri v.v… Bạn trẻ như Hướng Đạo Sinh thì Chanson D’alouette, Frère Jacques, La vie est belle, Feu de Champ, Chanson d’adieu v.v… đến như bài hát chánh thức của Hướng Đạo cũng bằng tiếng Pháp (Si nous voulons être forts…), cho đến ngày họp Hướng Đạo toàn quốc tại Huế (hình như là Tứ Tây, tôi quên) Trưởng Tạ Quang Bửu mới cất tiếng hát “Muốn nên người cường tráng ngày nay…” trước mặt vua Bảo Ðại khăn đóng vàng, áo dài vàng đến dự lễ, bắt đầu cho những bài hát bằng tiếng mẹ đẻ cho Hướng Đạo Sinh. Ở Hô Lâu, Thọ Lộc, cũng như anh em trong Đoàn Ðinh Bộ Lĩnh, không ra ngoài thông lệ hát tiếng Pháp. Có một số khá đông các em nhỏ con nhà lao động nghèo, không đủ phương tiện vào Hướng Đạo, nhưng lại thích hát. Ðêm nào, nhất là đêm trăng, các em đua nhau ca hát, nhưng băng thứ tiếng Pháp không ra tiếng Pháp, rất khó nghe. Lúc ấy, tôi mới viết cho các em những bài hát tiếng Việt, cho các em dễ nhớ, dễ hát và nhất là dễ hiểu. Từ đó đêm đêm vang lên tiếng hát “Vui đi, vui đi nào, anh em ta cùng ca hát nào…” Về Bến Ngự, ở Gia Ðình Phật Hóa Phổ cũng vậy, tôi có viết nhiều bài hát tiếng Việt, theo điệu những bài Hướng Đạo cũng có, mà theo Kim Tiền, Ðăng Ðàn Cung v.v… cũng có. Trong số các bài tôi viết, nay có lẽ chỉ còn bài Dây Thân Ái mà thôi.

Mấy năm sau, vì sinh kế, tôi xa Huế vào Nam, ước mong có dịp lập Gia Ðình Phật Hóa Phổ ngoại tỉnh, nhưng vì nghề nghiệp phải sống trong rừng núi, ít có dịp về thành phố, nên ước nguyện của tôi không thành.

Là người trong cuộc, tôi xin sơ lược cho các bạn nghe về những ngày đầu tiên của Gia Ðình Phật Hóa Phổ.

NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT.

Ghi chú:
(1) Năm 1935.
(2) Sau nầy là Hòa Thượng Thích Minh Châu.

LÊ LỪNG

2345 lượt xem