TIỂU SỬ

TỔ NGUYÊN THIỀU
(1648-1728)

Lâm Tế Chánh Tông – Đời thứ 33
Tổ truyền pháp phái Lâm Tế vào Trung Việt đầu tiên.

oOo

Tổ Sư họ Tạ, pháp danh Nguyên Thiều, hiệu Hoán Bích, quê ở Trình Hương Triều Châu, Quảng Đông(*), xuất gia năm 19 tuổi tu ở chùa Báo Tư, thọ giáo với Hòa Thượng Bổn Khao – Khoáng Viên.

Niên hiệu Cảnh Trị thứ ba đời Lê Huyền Tông (năm Ất Tỵ, đời chúa Nguyễn Phúc Tần thứ mười bảy – 1665), Ngài đi theo tàu buôn sang Việt Nam, trú ở Quy Ninh (Bình Định), lập chùa Thập Tháp Di Đà mở trường truyền dạy. Sau Ngài ra Thuận Hóa lập chùa Hà Trung (thuộc huyện Phú Lộc, nay hãy còn); rồi lên Xuân Kinh (Huế) lập chùa Quốc Ân và lập tháp Phổ Đồng.

Về sau Ngài lại phụng mệnh chúa Anh Tông (Nguyễn Phúc Trăn 1687-1691) trở về Trung Quốc tìm mời các danh tăng và cung thỉnh pháp tượng, pháp khí.

Ngài về Quảng Đông mời được Hòa Thượng Thạch Liêm và các danh tăng khác và thỉnh được nhiều kinh điển, tượng khí đem về. Chúa Nguyễn liền sắc mở đàn truyền giới rất long trọng tại chùa Thiên Mụ. Sau đó, chúa Nguyễn sắc ban Ngài chức trụ trì chùa Hà Trung.

Một hôm, Ngài lâm bệnh, họp môn đồ lại dặn dò mọi việc và truyền bài kệ rằng:

Tịch tịch kính vô ảnh
Minh minh châu bất dung
Đường đường vật phi vật
Liêu liêu không vật không.

Dịch:

Lặng lẽ gương không bóng
Rỡ rỡ châu chẳng hình
Rõ ràng vật phi vật
Vắng vẻ không chẳng không.

Ngài viết kệ xong, ngồi yên lặng thị tịch. Hôm ấy là ngày 19 tháng 10 niên hiệu Bảo Thái thứ mười nhà Lê (1729), thọ 81 tuổi(*). Đệ tử và tể quan thọ giới đồng xây tháp ở bên đồi nhỏ xóm Thuận Hóa, làng Dương Xuân Thượng, làm lễ nhập tháp để hương hỏa tôn thờ.

Hoàng đế Hiển Tông ban thụy hiệu là Hạnh Đoan Thiền Sư(*) và làm bài minh khắc vào bia, tán thán đạo đức của Ngài:

Ưu ưu Bát-nhã
Đường đường phạm thất
Thủy nguyệt ưu du
Giới trì chiến lật.
Trạm tịch cô kiên
Trác lập khả tất
Quán thân bổn không
Hoằng pháp lợi vật.
Biến phú từ vân
Phổ chiếu tuệ nhật
Chiêm chi nghiêm chi
Thái Sơn ngật ngật.

Dịch:

Bát-nhã ưu ưu
Phạm thất rỡ rỡ
Trăng nước ngao du
Giới luật nghiêm mật.
Lặng lẽ riêng vững
Đứng thẳng đã xong
Quán thân vốn không
Hoằng pháp lợi vật.
Mây từ che khắp
Tuệ nhật chiếu soi
Nhìn Ngài xét Ngài
Thái Sơn cao ngất.

Ngài là vị Tổ truyền phái Lâm Tế vào Trung Việt đầu tiên. Những vị đồng tông Lâm Tế ở Trung Hoa sang Việt Nam dưới Ngài một đời như Minh Hoằng – Tử Dung, Minh Hải – Pháp Bảo, Minh Vật – Nhất Tri và các đệ tử của Ngài đồng truyền bá tông Lâm Tế ở đây./.

Nguồn tài liệu: thuongchieu.net

oOo

(*) CHÚ THÍCH của Thư Viện GĐPT: Trong tiểu sử của Tổ Nguyên Thiều được lưu truyền, một số chi tiết có vài sự dị biệt chưa thống nhất:

Về ngày sinh: Theo tài liệu ở chùa Quốc Ân, Huế và sách Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam, Ngài sinh ngày 18 tháng 5 năm ÂL Mậu Tý (1648); nhưng tài liệu ở chùa Thập Tháp Di Đà, Bình Định lại ghi Ngài sinh năm Bính Tý (1636); còn theo sách Thiền Sư Việt Nam của Hòa Thượng Thích Thanh Từ thì ghi Ngài sinh năm 1649.

Về ngày viên tịch: Theo sách của Hòa Thượng Thích Thanh Từ và Hòa Thượng Thích Mật Thể thì Ngài viên tịch ngày 19 tháng 10 niên hiệu Bảo Thái thứ mười nhà Lê (1729); còn theo tài liệu của chùa Quốc Ân và cuốn Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam thì ghi là ngày 19 tháng 10 ÂL Mậu Thân (nhằm ngày 20/11/1728).

Về ngày Tổ sang Việt Nam: Có tài liệu khác ghi là năm Đinh Tỵ (1677).

Về việc ban thụy hiệu: Có tài liệu khác ghi là chúa Nguyễn Phước Trú ban hiệu… vào ngày mùng 8 tháng 4 năm Bảo Thái thứ mười nhà Lê (1729).

Để tìm hiểu thêm về những điểm khác nhau trên đây, mời Quý Bạn Đọc xem thêm tài liệu dưới đây chúng tôi trích dẫn từ website vnbet.vn

Chân dung Tổ Nguyên Thiều do Cư Sĩ Khánh Phổ Trung Nhân Hường Cao
vẽ năm 1931, hiện thờ tại Tổ Đường chùa Quốc Ân – Huế.

 

BÀI ĐỌC THÊM:

TỔ SƯ NGUYÊN THIỀU (1648-1728)
Chùa Quốc Ân – Huế

Về Tổ Sư Nguyên Thiều, hiện chúng ta có nhiều tài liệu. Gần chúng ta nhất là các bài viết tiếng Pháp của các ông Émile Gaspardone với nhan đề là Bonzes des Mings réfugiés en Annam. Tuy mới đây nhưng tài liệu rất khó kiếm; ông Léopold Cadière viết hai bài nhan đề là La Pagode Quốc Ân: Le fondateurLa Pagode Quốc Ân: Les divers supérieurs. Về Hán văn, chúng ta có bộ Đại Nam Nhất Thống Chí, Duy Tân năm thứ 3 (1910); bộ Đại Nam Liệt Truyện Tiền Biên đời Gia Long đều có nói đến ngài Tạ Nguyên Thiều. Nhưng, tài liệu chính nhất thì phải nói là tấm bia đá trùng khắc, do Hòa Thượng Liễu Chơn Từ Hiếu, trú trì chùa Quốc Ân đã thực hiện, rất trung thành với bản chính hiện còn ở tháp Tổ Nguyên Thiều. Bia trùng khắc cách đây hơn 100 năm, để ở chùa Quốc Ân.

Tài liệu về Ngài còn rất nhiều như trên đã dẫn; song sự tích của Ngài rất khó viết, vì những mâu thuẫn về danh hiệu và mâu thuẫn về niên đại. Ở đâu, hình như người ta cũng đoán định hơn là cung cấp lịch sử chính xác. Chỉ nói danh xưng không mà thôi, hiện nay chúng ta cũng đã thấy lúng túng. Tại Huế có hai nơi đáng để ý là bia lăng tháp Ngài và chùa Quốc Ân:

1. Bia lăng gắn ở bình phong đề: 敕 賜 國 恩 堂 上 臨 濟 諱 原 韶 壽 宗 諱 行 端 老 和 尚 之 塔 “Sắc Tứ Quốc Ân Đường Thượng Lâm Tế(?) Húy Nguyên Thiều Thọ Tôn Thụy Hạnh Đoan Lão Hòa Thượng Chi Tháp”.

2. Long vị ở chùa Quốc Ân đề: 敕 賜 國 恩 堂 上 臨 濟 正 宗 三 十 三 世 諱 原 韶 上 壽 下 尊 老 和 尚 “Sắc Tứ Quốc Ân Đường Thượng Lâm Tế Chánh Tông Tam Thập Tam Thế Húy Nguyên Thiều Thượng Thọ Hạ Tôn Lão Hòa Thượng”.

3. Tại chùa Viên Thông ở phía Tây Nam núi Ngự Bình còn có một bản khắc Chánh Pháp Nhãn Tạng của Ngài Chơn Kim Pháp Lâm thực hiện vào khoảng 1889, thuộc dòng kệ của Ngài Minh Hải Pháp Bảo ở chùa Chúc Thánh Quảng Nam lại đề là: 第 三 十 三 世 諱 超 白 上 煥 下 碧 號 壽 尊 和 尚 “Đệ Tam Thập Tam Thế Húy Siêu Bạch Thượng Hoán Hạ Bích Hiệu Thọ Tôn Hòa Thượng”.

4. Tại chùa Giác Lâm ở Sài Gòn, một ngôi chùa cổ có từ 1744, thì long vị đề là: 敕 賜 國 恩 堂 上 臨 濟 正 宗 三 十 三 世 上 煥 下 碧 諱 超 白 老 祖 和 尚 “Sắc Tứ Quốc Ân Đường Thượng, Lâm Tế Chánh Tông Tam Thập Tam Thế Thượng Hoán Hạ Bích Húy Siêu Bạch Lão Tổ Hòa Thượng”.

5. Tại một ngôi tháp vọng ở chùa Kim Cang, Đồng Nai lại đề: 國 恩 金 剛 堂 上 三 十 三 世 諱 超 白 煥 碧 和 上 祖 師 之 塔 “Quốc Ân Kim Cang Đường Thượng Tam Thập Tam Thế Húy Siêu Bạch Hoán Bích Hòa Thượng Tổ Sư Chi Tháp”.

Tất cả sách sử triều Nguyễn đều dùng “Tạ Nguyên Thiều, tự Hoán Bích…” hoặc “Hoán Bích Thiền Sư”. Ông Léopold Cadière viết: “Ngài họ Tạ, tên thời niên thiếu của Ngài là Hoán Bích. Nguyên Thiều là danh xưng trong đạo”. Câu văn đoán định của L. Cadière xét ra sai cả hai ý. Ông viết “tên thời niên thiếu của Ngài là Hoán Bích”; ông Cadière không hiểu về Phật Giáo. Một nhà sư làm gì có tên thời niên thiếu? Nếu là tên ngoài đời thì người ta gọi là thế danh, và khi đã xuất gia, ít ai dùng tới.

Nói chung, chúng ta hiện có đến bốn danh xưng khác nhau để gọi Ngài: Nguyên ThiềuSiêu BạchHoán BíchThọ Tôn.

Nghiên cứu cách danh xưng trong các chùa Huế, người ta thấy rằng, các nhà sư thường có một pháp danh và pháp danh theo chữ trong dòng kệ của Bổn Sư truyền đặt cho, nên cũng gọi là húy; húy có nghĩa là cấm, tránh nói đến; trên long vị khi viết húy thường viết tách đôi “thượng… hạ…”; nhà sư lại có một pháp tự và một pháp hiệu; sau khi viên tịch, nhà sư có tên thụy. Thường người ta gọi nhà sư theo “pháp hiệu”.

Cho nên nói như sách Đại Nam Liệt Truyện Tiền Biên, “Hoán Bích” là tên “tự” của Ngài thì đúng hơn. Và tất cả các bộ sử trong Sử quán triều Nguyễn gọi là “Hoán Bích Thiền Sư” cũng vì thế.

Theo cách viết ở long vị Ngài tại chùa Quốc Ân, thì chúng ta không biết áp dụng cách nào, vì “húy Nguyên Thiều thượng Thọ hạ Tôn…”; tại bia tháp lại viết “húy Nguyên Thiều Thọ Tôn”. Như vậy, húy hay Pháp danh của Ngài là Nguyên Thiều?

Từ xưa tới nay, người ta chỉ gọi Ngài là Nguyên Thiều. Khi nói đến Tổ Giác Phong ở trước, chúng tôi có viện dẫn một tư liệu hãy còn lưu trữ tại chùa Quốc Ân – Huế, ký vào năm Chính Hòa thập ngũ niên (1694) nói về việc cấp đất cho chùa Quốc Ân dựng tháp Phổ Đồng, thấy có tên hai Ngài là “Nguyên Thiều và Giác Phong”. Trong giới Phật Giáo Huế cũng gọi là Ngài Nguyên Thiều. Trong bi ký, long vị và các sách ở Sử quán như Đại Nam Nhất Thống Chí và Đại Nam Liệt Truyện Tiền Biên đều không thấy dùng chữ “Siêu Bạch”; trừ ra ba chỗ là bản Chánh Pháp Nhãn Tạng (1889) ở chùa Viên Thông; trong cuốn Việt Nam Phật Giáo Sử Lược của Hòa Thượng Mật Thể (1942) và ngôi tháp vọng ở chùa Kim Cang – Đồng Nai.

Trong sách Việt Nam Phật Giáo Sử Lược, Hòa Thượng Mật Thể đã luận giải rằng: Ngài Nguyên Thiều đã thọ giới với một Ngài có chữ “Hạnh” ở đầu, theo dòng kệ của Ngài Vạn Phong – Thời Ủy ở chùa Thiên Đồng (Trung Hoa) truyền xuống là:

祖 道 戒 定 宗
方 廣 證 圓 通
行 超 明 實 濟
了 達 悟 真 空

Phiên âm:

Tổ đạo giới định tông
Phương quảng chứng viên thông
Hạnh siêu minh thật tế
Liễu đạt ngộ chơn không.

Tạm dịch:

Giới định là tông chỉ
Rộng khắp chứng thần thông
Hạnh vượt sang bờ Thật
Tỏ ngộ đến chơn không.

Nhưng đồng thời Ngài cũng thọ giới với Ngài Bổn Khao – Khoáng Viên Hòa Thượng ở chùa Báo Tư (Trung Hoa) như bia chùa Quốc Ân đã ghi. Ngài Bổn Khao – Khoáng Viên là đệ tử của Ngài Đạo Mân – Mộc Trần, đời thứ 31 thuộc dòng Lâm Tế, theo bài kệ của Ngài: Đạo bổn nguyên thành Phật tổ tiên, Minh như hồng nhật lệ trung thiên…

道 本 原 成 佛 祖 仙
明 如 鴻 日 麗 中 天 …

Tạm dịch:

Đạo vốn thâm sâu Phật tổ tiên
Sáng soi tuyệt đẹp cõi trung thiên
Nguồn linh thấm rộng làn gió tốt
Đèn tuệ chiếu khắp vạn cổ truyền.

Nếu theo dòng kệ trên thì Ngài đến chữ Siêu cho nên có húy là Siêu Bạch; với dòng kệ dưới thì Ngài đến chữ Nguyên cho nên có húy là Nguyên Thiều. Hòa Thượng Mật Thể viết trong ngoặc đơn: (Hiện nay chùa Quốc Ân – Huế thì theo dòng kệ chữ “Nguyên”, tức là theo dòng kệ của ngài Đạo Mân [Mộc Trần]; chùa Thập Tháp, Bình Định thì theo dòng kệ chữ “Siêu”, tức là dòng của ngài Vạn Phong).

Một di ảnh thờ Tổ Nguyên Thiều.

Thuyết nói về chùa Quốc Ân có một chỗ đúng là vào năm 1915, Léopold Cadière viết về các Ngài ở chùa Quốc Ân – Huế, có thấy một tiếu tượng của ngài Mộc Trần thờ ở bàn thờ Tổ. Ngài Mộc Trần chính là Tổ Sư Đạo Mân, tức là Quốc Sư Hoàng Giác, húy Thông Thiên, ở chùa Thiên Đồng bên Trung Quốc, mà Ngài Nguyên Thiều đã mang theo tôn trí thờ ở chùa Quốc Ân.

Điều này chứng tỏ Ngài đã thọ giới với Bổn Khao – Khoáng Viên Hòa Thượng như văn bia viết là điều có thật. Vì ngài Đạo Mân – Mộc Trần là Bổn Sư của ngài Bổn Khao – Khoáng Viên. Theo bài kệ thì ngài Nguyên Thiều – Hoán Bích đứng hàng thứ ba của chùa Thiên Khai, nhưng đứng hàng thứ hai của chùa Báo Tư (Trung Hoa). Tuy nhiên, đúng thì có một mà mâu thuẫn rất nhiều. Bởi vì, thế thì Ngài phải truyền pháp cho các Ngài có chữ “Thành” mới đúng. Trái lại, tất cả dòng kệ này đều truyền xuống cho các Ngài ở các chùa trong Nam mà không hề có ở chùa Quốc Ân – Huế. Nhất là các Ngài ở chùa Đại Giác ở Biên Hòa và chùa Giác Lâm ở Gia Định.

Tại chùa Quốc Ân – Huế cũng có thờ long vị nhiều Ngài trong số các chữ theo dòng kệ ấy; nhưng chỉ có thờ long vị mà không có người ở thật. Chỉ có Ngài Như Hán – Nguyên Cát (tịch năm 1914), Như Đông – Đắc Quang (1945); và một số chữ “Hồng” thì cũng rất muộn. Như vậy, đúng theo dòng kệ, thì trong Nam phải là ngài Nguyên Thiều truyền xuống, không phải là ngài Siêu Bạch.

Còn theo dòng kệ của Ngài Vạn Phong – Thời Ủy ở chùa Thiên Đồng, lấy Ngài Tổ Định – Tuyết Phong làm đầu thì các Ngài ở chùa Quốc Ân phải do Ngài Siêu Bạch truyền xuống mới đúng, chứ không phải là Ngài Nguyên Thiều.

Theo bài kệ này thì dưới Ngài Siêu Bạch có một loạt các Ngài có chữ “Minh” ở trước, nhưng không phải đệ tử của Ngài Nguyên Thiều cả, mà có thể có người gọi Ngài là sư thúc, có người gọi Ngài là sư bá. Như Ngài Minh Hoằng – Tử Dung khai sơn chùa Ấn Tôn ở Thuận Hóa; Ngài Minh Hải – Pháp Bảo khai sơn chùa Chúc Thánh ở Quảng Nam; Ngài Minh Giác – Kỳ Phương ở lại chùa Vĩnh Ân; Minh Hằng – Định Nhiên làm trú trì 64 năm ròng rã ở Quốc Ân; Minh Vật – Nhất Tri khai sơn chùa Kim Cang ở Biên Hòa; Ngài Minh Lý(?) ở lại chùa Thập Tháp, Bình Định; Minh Lượng – Nguyệt An khai sơn chùa Hòn Sấm; lại có Ngài Minh Trí – Nguyệt Hành, Minh Dung – Pháp Thông v.v… Các Ngài có chữ “Minh” này truyền xuống cho đệ tử đều theo dòng kệ lấy Ngài Tổ Định – Tuyết Phong làm đầu. Cho nên Ngài Minh Hoằng – Tử Dung thì có Thiệt Diệu – Liễu Quán, Thiệt Vinh – Bảo Hành; Ngài Minh Vật – Nhất Tri thì có Ngài Thiệt Thành – Liễu Đạt, Thiệt Thoại – Tánh Tường; Ngài Minh Hải – Pháp Bảo có đệ tử là Thiệt Dinh – Chính Hiển; Ngài Minh Lượng – Nguyệt An thì truyền xuống Thiệt Địa – Pháp Ẩn; các Ngài có chữ “Thiệt” truyền xuống chữ “Tế” và v.v… Các Tổ truyền xuống một vài đời lại biệt xuất dòng kệ mới.

oOo

Theo bia ở chùa Quốc Ân thì Ngài Hoán Bích có họ Tạ, ra đời vào năm Mậu Tý, ngày 15 tháng 5 vào giờ Tuất, tính sang Tây lịch là vào ngày 08-7-1648 vào lúc 7-9 giờ tối. Quê hương của Ngài là huyện Trình Hưng, phủ Triều Châu, tỉnh Quảng Đông. Sách Đại Nam Liệt Truyện Tiền Biên (Quốc Sử Quán. 6) chép: “Tạ Nguyên Thiều tự Hoán Bích, người huyện Trình Hưng, phủ Triều Châu, tỉnh Quảng Đông. Năm 19 tuổi xuất gia tu ở chùa Báo Tư, làm đồ đệ của Hòa Thượng Khoáng Viên. Thái Tông hoàng đế Ất Tỵ năm thứ 17 (1665), Nguyên Thiều đi theo thuyền buôn qua Quảng Nam, lưu trú tại phủ Quy Ninh, dựng chùa Thập Tháp Di Đà, giảng truyền Phật Giáo; kế ra Phú Xuân Sơn, tỉnh Thuận Hóa dựng chùa Quốc Ân, xây tháp Đồng Phổ, sau phụng mạng Anh Tông hoàng đế qua Quảng Đông rước Thạch Liêm Hòa Thượng và thỉnh tượng Phật, chuông khánh; lúc trở về phụng sắc cho trú trì chùa Hà Trung [….] hưởng thọ 81 tuổi [….], Hiển Tông hoàng đế ban cho thụy hiệu Hạnh Đoan Đại Sư và làm một bài “ký” ghi chép công đức”.

Tất cả lời văn được các sử thần ghi chép trong Đại Nam Liệt Truyện Tiền Biên đều đã có trong “Sắc tứ Hà Trung Tự Hoán Bích Đại Sư tháp ký minh” do Đại Việt quốc chúa Nguyễn Phúc Thụ (1723-1738) ban khắc ở bia tháp mộ Ngài. Trong đoạn văn trên có nhiều điểm đáng bàn luận.

Trước hết là năm qua Nam của Tổ Nguyên Thiều – Hoán Bích. Thái Tông hoàng đế là niên hiệu truy phong tặng của chúa Nguyễn Phúc Tần (1648-1687), Ất Tỵ năm thứ 17, trùng vào năm Cảnh Trị thứ 3 đời Lê Huyền Tôn của nhà Lê ở Bắc Hà. Tính theo các niên hiệu của vua Lê và chúa Nguyễn thì đều trùng khớp với năm 1665 Tây lịch. Song tính theo số tuổi kể từ năm sinh đến năm xuất gia, theo văn ghi trong bia và trong sách Đại Nam Liệt Truyện Tiền Biên thì các tài liệu trên này đều sai. Năm 19 tuổi, Bính Ngọ (1666) Ngài mới xuất gia đến chùa Báo Tư để thọ giới với Bổn Khao – Khoáng Viên Hòa Thượng, thì làm sao năm Ất Tỵ (1665) Ngài qua Nam cho được?

Cho nên, sau khi tính toán rất kỹ càng cách tính năm theo can – chi, ta phải nói cho rằng Ngài qua Nam vào năm 1677, tức là năm Đinh Tỵ.

Bia chúa Nguyễn lại viết Ngài thọ 81 tuổi mà sách Đại Nam Liệt Truyện Tiền Biên đã nhắc lại, và Ngài viên tịch vào ngày 19 tháng 10 năm Mậu Thân, tính sang Tây lịch là ngày 20-11-1728. Lấy năm mất, trừ năm tuổi thọ, người ta vẫn đến năm sinh là (1648). Văn bia cũng cho là Ngài hoằng hóa ở đất Nam Hà trong 51 năm. Lấy năm viên tịch trừ cho năm ở trên đất Nam Hà, ta vẫn đến năm 1677 đúng như năm qua Nam đã tính ở trước. Cho nên, dù nói thế nào thì niên đại Ất Tỵ (1665) vẫn là niên đại không chính xác để tính cho việc Ngài đổ bộ Quy Ninh vào lúc đó so với năm sinh, năm xuất gia, năm viên tịch và số tuổi thọ, số năm Ngài hoằng hóa trên dải đất Nam Hà và Thuận Hóa.

Ngài Nguyên Thiều – Hoán Bích qua Nam Hà không theo lời thỉnh mời của chúa, mà Ngài đã đến đây theo hoạt động riêng của Ngài (văn bia chùa Quốc Ân). Ngài “đi thuyền buôn qua Quảng Nam trú tại phủ Quy Ninh, tức là Ngài đã theo chân những người Trung Hoa” (văn bia), có thể là để tránh tình trạng xã hội bất ổn cuối đời Minh đầu Thanh. Trong thời gian trú tại phủ Quy Ninh, Ngài đã dựng chùa Thập Tháp và giảng truyền đạo Phật: “Chùa Thập Tháp ở làng Thuận Chánh, huyện Tuy Viễn, sau chùa có 10 cái tháp Chàm, cho nên đặt tên như vậy, nay đổ nát hết rồi. Bản triều thời Thái Tông, Đường tăng Hoán Bích Hòa Thượng xây cất chùa ấy, thời Hiển Tông sắc ban biển ngạch đề Thập Tháp Di Đà Tự và liễn đối…” Sau khi xây dựng chùa Thập Tháp ở Quy Ninh – Bình Định thì sách Đại Nam Liệt Truyện Tiền Biên (Quốc Sử Quán. 6) nói tiếp: “Kế ra Phú Xuân Sơn, tỉnh Thuận Hóa, dựng chùa Quốc Ân, xây tháp Đồng Phổ” chứ không nói là Ngài đi đường biển, ghé lại Tư Dung lên làng Hà Trung để dựng chùa Phổ Thành. Đại Nam Nhất Thống Chí cũng chỉ ghi: “Chùa Hà Trung ở xã Hà Trung, đời Hiển Tông bản triều sư Hoán Bích làm trú trì ở đó”. Như vậy, chùa Hà Trung là một ngôi chùa làng đã có từ trước, Ngài chỉ ghé lại đình trú một thời gian, rồi lên Phú Xuân Sơn lập thảo am, để trở thành chùa Vĩnh Ân. Theo Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quý Đôn, thì có lẽ làng Hà Trung được khai lập vào đời chúa Nguyễn Hoàng, bởi trong sách Ô Châu Cận Lục của Dường Văn An, tên làng này chưa có. Một luận cứ chắc chắn cho giới thuyết này là sách Hải Ngoại Kỷ Sự viết vào năm 1695, trong đó Hòa Thượng Thạch Liêm đã miêu tả mấy cây tùng cổ ở chùa Hà Trung như sau: “Chợt thấy một cây tùng xanh rợp bóng, một cổ thụ đã mấy trăm năm! [……]. Sau điện có những cây tùng lớn đến mấy ôm, ngọn queo cành cỗi, rậm rạp ly kỳ; thực là những thiên niên cổ thụ, trên đọt tùng sầm uất, lá xoắn từng nắm tròn; theo lời ‘Truyện ký’ bảo đọt tùng xoắn thành nắm tròn, đào dưới gốc có củ phục linh và hổ phách; nhưng ta chẳng dám nói ‘thuyết’ ấy ra sợ làm hại đến cây quý”. Theo các sách đã dẫn ở trên thì Ngài Nguyên Thiều đổ bộ Quy Ninh vào năm 1676/1677 dựng chùa Thập Tháp ở Bình Định, kế đó ra Phú Xuân Sơn lập Vĩnh Ân Am vào khoảng từ 1682 đến 1684. Như thế khoảng cách giữa hai mốc thời gian chỉ có từ 5 đến 7 năm. Nếu nói rằng Ngài xây dựng Phổ Thành Tự ở làng Hà Trung, thì làm gì có được những cây tùng kỳ cổ đã hàng trăm năm như lời Thạch Liêm Hòa Thượng miêu tả vào năm 1695, tức là cách thời gian Ngài Nguyên Thiều lên đình trú ở chùa làng Hà Trung trong khoảng thời gian là 10 năm. Cho nên cái thuyết cho rằng Ngài Nguyên Thiều xây dựng Phổ Thành Tự tức chùa làng Hà Trung là một thuyết đáng ngờ. Mà chắc chắn hơn Phổ Thành Tự là tên hiệu chùa làng Hà Trung đã có từ thời gian lâu xa trước đó rồi. Chùa Vĩnh Ân đã được khai sơn vào năm nào? Sách Đại Nam Nhất Thống Chí triều Duy Tân chép: “Chùa Quốc Ân ở ấp Phước Quả, tục truyền do Hoán Bích Đại Sư xây cất, bản triều Hiển Tông có ban cho hai bức liễn đối…” bên tả có khắc 8 chữ: 國 王 天 縱 道 人 御 題 “Quốc Vương Thiên Túng Đạo Nhân ngự đề” nay đương còn. Và trước chùa có tháp Phổ Đồng cũng do Hoán Bích Đại Sư xây, sau bị binh hỏa tàn phá; Gia Long năm đầu, Mật Hoằng Hòa Thượng tu bổ lại, chùa chiền rộng rãi mỹ quan. Sách Đại Nam Nhất Thống Chí cũng không cho ta thêm chi tiết nào rõ ràng hơn. Theo Tự Phổ chùa Quốc Ân thì vào năm Chính Hòa thứ 5 (1684) vào thời vua Lê Hy Tôn ở Thăng Long, và Hiền Vương Nguyễn Phúc Tần (1648-1687) ở Thuận Hóa, vị chúa này có ban cho một ngân khoản trợ cấp để Ngài Nguyên Thiều xây dựng chùa. Như vậy chùa có thể xây dựng vào 1682 hoặc 1684 mà không quyết đoán được năm nào, chùa được xây dựng như thế nào? Không có sách sử gì để lại, chỉ nói rằng ngay bên cạnh chùa, Ngài có xây dựng một kiến trúc gọi là Đồng Phổ Tháp, hay Phổ Đồng Tháp(?). Phổ Đồng Tháp là gì? Có thể đây là nơi thờ tự những người quá vãng có công quả với chùa nhưng không còn có con cháu cúng cấp, thường dân, tín hữu cũng như các bậc tể quan hoặc các điệu, các thầy trong sơn môn mà chưa có quyền xây tháp mộ theo truyền thống Phật Giáo, cho nên mới dùng hai chữ Phổ (chung) Đồng (bình đẳng). Cũng không phải Ngài Nguyên Thiều là người xây tháp Phổ Đồng trước tiên. Bởi vì sách Đại Nam Nhất Thống Chí, bản đời Tự Đức soạn trong khoảng 1864 đến 1875, khi nói đến núi Ngũ Hành ở Quảng Nam đã nói: “Ngọn núi ở phía Đông Bắc hình như sao Tam Thai, nên xưa gọi là núi Tam Thai, xưa có tháp Phổ Đồng…”

Năm Chánh Hòa thứ 10, ngày 17.5. Kỷ Tỵ (13-.7-1689). Anh Tông Hiếu Nghĩa Hoàng Đế tức là chúa Nguyễn Phúc Thái (1687-1691) đã phê chuẩn một sắc lệnh miễn thuế đất ruộng của chùa và đổi tên Vĩnh Ân Tự thành “Sắc Tứ Quốc Ân Tự”. Như vậy, tên chùa Quốc Ân mà sách Đại Nam Nhất Thống Chí đã viết, là có từ năm Kỷ Tỵ (1689) vậy.

Tuy nhiên, hiện nay còn một vấn đề mà người ta cũng không thể giải quyết cho chính xác được. Nguyễn Phúc Tần mất năm Đinh Mão (1687) thì ngôi chúa được người con của ông là Nguyễn Phúc Thái tiếp nối (1687-1691). Nguyễn Phúc Thái đã phái Ngài Nguyên Thiều Hoán Bích về Trung Quốc để tìm mời các danh tăng và thỉnh các Ngài về Thuận Hóa. Không biết Ngài được phái đi vào năm nào, nhưng vì việc phải xảy ra trong khoảng 1687 cho đến 1691 là khoảng thời gian trị vì của chúa Nguyễn Phúc Thái. Không biết Ngài đi trong bao nhiêu năm, và khi Ngài vắng mặt tại chùa Vĩnh Ân thì ai thay Ngài ở đây. Phải chăng là Ngài Minh Giác – Kỳ Phương mà người ta cho là đệ tử của Ngài? Cũng không biết Ngài về lại chùa trước hay sau việc chúa Nguyễn Phúc Thái ra lệnh miễn giảm toàn bộ thuế cho đất đai nhà chùa, và ban đổi hiệu chùa là “Sắc Tứ Quốc Ân Tự”. Chỉ biết rằng khi về thì không có Ngài Thạch Liêm – là người chúa phán phải mời cho được – cùng đi với Ngài, và Ngài đã mang về nhiều tượng Phật và nhiều pháp khí để thờ. Sách Đại Nam Liệt Truyện Tiền Biên chép: “Lúc trở về phụng sắc cho trú trì chùa Hà Trung”. Sự bổ dụng này mang dáng dấp một sự thất sủng hơn kính trọng. Hà Trung là một làng nằm mất hút vào cuối một đầm nước mặn trên một vùng đất cát, về phía nam kinh thành hơn nửa ngày đi bộ. Chính tại ngôi chùa này mà thuyết truyền cho rằng Ngài đã thiết trí pho tượng Phật Quan Thế Âm rất lớn bằng đá và cho rằng đó là pho tượng quan trọng nhất mà Ngài đã thỉnh từ Trung Hoa về; hiện nay đang còn, là một bảo vật của Phật Giáo Thừa Thiên – Huế.

Một tài liệu ký vào năm Chánh Hòa thập ngũ niên (1694) tức là đã ở vào thời trị vì của Minh Vương Nguyễn Phúc Chu (1691-1725) nói về việc đào giếng và cấp đất cho tháp Phổ Đồng ở chùa Quốc Ân thì vẫn còn thấy tên Ngài Nguyên Thiều và Ngài Giác Phong. Sau giới đàn Ất Hợi (1695), khi đoàn thuyền của Ngài Thạch Liêm trở về Trung Hoa, đi ngang chùa Hà Trung, Ngài có miêu tả cảnh chùa rất đẹp, và ghé lại chùa thì được “Cai bá, Giám tự rước ta vào trong điện để cúng chay, Giám tự nguyên cũng là một thụ giới đệ tử”. Như thế, chứng tỏ rằng cho đến 1694 và 1695 Ngài Nguyên Thiều vẫn còn ở chùa Quốc Ân. Sử kiện này phải chăng là vì không mời được Thạch Liêm Hòa Thượng qua Nam mà Ngài bị thất sủng đối với chúa Nguyễn Phúc Thái? Nhưng qua các đời chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725) và chúa Nguyễn Phúc Thụ (1725-1738) thì Ngài vẫn được trọng vọng và được thỉnh trú trì cả chùa Quốc Ân, còn chùa Hà Trung giao cho vị Giám tự. Tình trạng trú trì hai chùa ấy hiện nay vẫn thấy ở nhiều chùa Huế.

Chúa Nguyễn Phúc Thụ đã viết: “Ngài đã đi, đã về và đã hoàn thành sứ mạng với nhiều thành công và đã đem lại nhiều thành tựu to lớn.” Vì đó mà việc trọng vọng và để Ngài trú trì hai chùa là việc khả hữu. Ông Léopold Cadière nêu lên trong một bài ông viết về các Ngài trú trì ở chùa Quốc Ân về vấn đề trú trì hai chùa của Ngài Nguyên Thiều mà ông cũng xác nhận là điều có thể có, ông cho là Ngài Nguyên Thiều đã viên tịch tại chùa Quốc Ân, vì ông dựa vào hai chứng cớ: Sau khi Ngài viên tịch, người ta mới bổ tới Ngài Minh Hằng – Định Nhiên, đệ tử của Ngài làm vị trú trì thứ nhất để thay Ngài; và tháp mộ Ngài được xây ở xứ Cửa Hóa gần chùa Quốc Ân.

Ở trên chúng tôi có viện dẫn lời chúa Nguyễn Phúc Thụ (1723-1738) viết trong bia “Sắc tứ Hà Trung Tự Hoán Bích Đại Sư tháp ký minh”, có câu: “Trong những cuộc luận đạo, Ngài đã chạm đến chỗ tột cùng vi diệu”, thì câu nhận định này đã biểu hiệu được hai mặt. Một mặt là câu nói ấy đã biểu lộ được trình độ thâm hiểu được Phật Pháp của vị chúa Nam Hà, và có thể là của cả giới Tăng sĩ Phật Giáo Nam Hà vào thế kỷ thứ XVIII. Điều này không phải chúng tôi võ đoán. Bởi vì trước khi viên tịch, Ngài đã truyền lại bài kệ:

寂 寂 鏡 無 影
明 明 珠 不 容
堂 堂 物 非 物
寥 寥 空 勿 空

Phiên âm:

Tịch tịch kỉnh vô ảnh
Minh minh châu bất dung
Đường đường vật phi vật
Liêu liêu không vật không.

Tạm dịch:

Lặng lặng kính không ảnh
Ngời ngời ngọc chẳng hình
Rỡ rỡ vật không vật
Quạnh quạnh không chẳng không.

Dĩ nhiên bài kệ tuy ngắn, nhưng nội hàm giáo pháp và học lý vi diệu nhất mà Tổ Nguyên Thiều muốn khai thị và hoằng truyền thì đều đã có trong đó cả. Và có lẽ vị chúa Nam Hà đã “ngộ” được phần nào cái vi diệu ấy; cho nên chúa mới làm bài “minh” xưng tán Tổ như sau:

優 優 般 若
堂 堂 梵 室
水 月 優 遊
戒 持 戰 慄
湛 寂 孤 堅
卓 立 可 必
觀 身 本 空
弘 法 利 物
遍 覆 慈 雲
普 照 慧 日
瞻 之 嚴 之
泰 山 屹 屹

Phiên âm:

Ưu ưu bát nhã
Đường đường phạm thất,
Thủy nguyệt ưu du
Giới trì chiến lật,
Trạm tịch cô kiên
Trác lập hà tất
Quán thân bổn không
Hoằng pháp lợi vật
Biến phú từ vân
Phổ chiếu huệ nhật
Chiêm chi nghiêm chi
Thái sơn ngật ngật.

Tạm dịch:

Cao siêu bát nhã
Rỡ ràng chùa thất
Trăng nước rong chơi
Giữ giới nghiêm nhặt
Lặng trong riêng vững
Ắt hẳn đứng cao
Quán thân vốn không
Hoằng pháp lợi sanh
Mây lành che khắp
Vầng tuệ chiếu cùng
Nhìn ngài, ngưỡng ngài
Cao ngất núi Thái.

Đây cũng là mặt thứ hai của câu nhận định xưng tán Tổ Nguyên Thiều vậy./.

Toàn cảnh khu bảo tháp Tổ Nguyên Thiều ở phía Nam đàn Nam Giao
(xã Cư Hóa, nay là ấp Thượng 1, xã Thủy Xuân, thành phố Huế).

Nguồn: Thư Viện GĐPT

2279 lượt xem